Thêm các quận trung tâm Hà Nội dừng bán hàng ăn uống tại chỗ từ 12h ngày 26/12
Các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm yêu cầu chỉ bán hàng mang về và hạn chế hoạt động đông người, một tuần sau khi quận Đống Đa, Hai Bà Trưng áp dụng biện pháp này.
Nhiều quận "vùng cam" ở Hà Nội yêu cầu nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về. Ảnh minh họa |
Chiều 25/12, ngay sau khi Hà Nội công bố đánh giá cấp độ dịch trong phòng chống Covid-19, nhiều quận ở cấp độ 3 đã thông báo áp dụng các biện pháp hành chính tương ứng từ 12h ngày 26/12.
Theo đó, quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm sẽ đưa ra nhiều biện pháp siết chặt công tác phòng, chống dịch, trong đó có hạn chế hoạt động tập trung đông người. Cửa hàng ăn, uống chỉ được bán mang về, đóng cửa trước 21h hàng ngày; cấm buôn bán tại chợ cóc, chợ tạm. Các cơ sở hoạt động không quá 50% công suất.
Học sinh lớp 12 các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên dừng đến trường; chuyển sang học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.
Người dân được khuyến cáo không ra khỏi nhà khi không cần thiết. Trường hợp ra khỏi nhà phải tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch.
Trong các quận được đánh giá cấp độ 3, hiện chỉ còn Long Biên chưa có thông tin việc áp dụng các biện pháp phòng dịch tương ứng.
Việc các quận trên dừng một số hoạt động không thiết yếu diễn ra trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 mới của Hà Nội gần một tuần qua cao nhất cả nước. Ngày 25/12, Thành phố cho biết, có thêm 6 quận chuyển từ "vàng" sang "cam" gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ.
Cùng với hai quận Đống Đa và Hai Bà Trưng được đánh giá cấp độ 3 từ trước đó, 8/12 quận của Thủ đô đã ở mức nguy cơ cao về dịch bệnh.
TP.HCM không còn quận “vùng cam”
Nguy cơ dịch ở Quận 10 giảm từ cấp 3 xuống cấp 2, số ca mắc mới giảm, TP.HCM không còn quận, huyện "vùng cam".
Cấp độ dịch ở 22 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM |
Theo công bố của UBND TP.HCM, từ ngày 17 - 23/12, 9 quận, huyện ghi nhận nguy cơ dịch ở cấp độ 1 là: 3, 6, 7, 8, Bình Tân, Tân Phú, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn; 13 địa phương ở cấp độ 2 (vùng vàng) gồm: 1, 4, 5, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Nhà Bè, Bình Chánh, Phú Nhuận, Thủ Đức.
So với tuần trước, 2 quận tăng cấp độ dịch là Tân Bình và Bình Chánh (cấp 1 lên cấp 2). Hai quận giảm cấp độ dịch là Quận 10 (cấp 3 xuống cấp 2) và Bình Tân (cấp 2 xuống cấp 1).
Ở cấp phường, xã, tuần qua, 160/312 địa phương ở cấp 1; 139 địa bàn cấp 2; 13 phường, xã ở cấp độ 3. Có 35 phường, xã giảm cấp độ dịch và 18 địa phương tăng cấp độ so với tuần trước.
Ở bản đồ cấp độ dịch toàn quốc, TP.HCM thuộc cấp 2 - vùng vàng, mức nguy cơ trung bình, không thay đổi so với các tuần trước.
Cụ thể, số ca mắc mới từ ngày 17 - 23/12 ở Thành phố là 5.493 (tuần trước là 7.527). Với dân số hơn 9,1 triệu người, tổng số ca mắc mới trong cộng đồng tại Thành phố tuần qua là 71 (ở mức độ 3 theo tiêu chí của Bộ Y tế là 50-<150).
Đối với tiêu chí 2, hết ngày 23/12, toàn bộ người trên 18 tuổi tại TP.HCM đã tiêm ít nhất một mũi vaccine (đạt trên 70% theo tiêu chí Bộ Y tế) và 100% người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Với tiêu chí thứ 3 - đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám chữa bệnh theo các tuyến, TP.HCM có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và đảm bảo số giường hồi sức, cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám, chữa bệnh; sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4.
VTV muốn thoái bớt 15% vốn tại K+
Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) sẽ bán đấu giá 15% trong 51% vốn góp tại Công ty Truyền hình vệ tinh Việt Nam (VSTV), với giá khởi điểm 188,7 tỷ đồng.
VTV hiện nắm 51% vốn điều lệ tại VSTV - đơn vị sở hữu Truyền hình K+ |
Thành lập năm 2009, VSTV - đơn vị sở hữu Truyền hình K+ là công ty liên doanh giữa Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam - VTVcab (thuộc VTV) và Canal+, một trong những đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình lớn nhất châu Âu. Năm 2013, phần vốn góp vào VSTV của VTVcab được chuyển giao về VTV quản lý. Hiện tại, VSTV có vốn điều lệ 20,1 triệu USD. Trong đó VTV nắm 51%, tương ứng 10,2 triệu USD, Canal+ nắm 49%.
Theo thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, phiên đấu giá 15% phần vốn góp của VTV tại VSTV sẽ diễn ra vào ngày 13/1/2022. Đối tượng tham gia đấu giá là các nhà đầu tư trong nước. Nhà đầu tư đăng ký và nộp tiền cọc từ ngày 24/12/2021 đến 6/1/2022. Mức giá khởi điểm hơn 188,7 tỷ đồng. Phần vốn này tính theo giá trị góp vốn ban đầu khoảng 51,6 tỷ đồng.
Mục đích của thương vụ bán vốn này là thực hiện định hướng, chủ trương thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không nắm giữ vốn, nhằm thu hồi phần vốn ban đầu cho Nhà nước. Đồng thời, việc VTV thoái vốn cũng tạo cơ hội cho nhà đầu tư tiềm năng có mong muốn trở thành thành viên góp vốn tại VSTV, trực tiếp tham gia quản lý điều hành.
Thời gian qua, VSTV than khó khăn vì hoạt động trong tình trạng thiếu vốn. Do phụ thuộc vào vốn vay nên chi phí tài chính lớn. Năm 2016, VTV và Canal+ đã trình Chính phủ xin tăng vốn cho VSTV nhưng không được thông qua.
Những năm gần đây, VSTV liên tục thua lỗ do khó khăn nội tại và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường truyền hình trả tiền. Năm 2019 và 2020, đơn vị sở hữu Truyền hình K+ lần lượt lỗ hơn 246 tỷ đồng và 265 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm nay, công ty này lỗ 194,6 tỷ đồng. Luỹ kế đến hết 30/9, VSTV lỗ gần 3.750 tỷ đồng.
Hà Nội sẽ đầu tư 3 dự án đường sắt đô thị
Thành phố Hà Nội đang chuẩn bị đầu tư 3 dự án đường sắt đô thị, từ nay đến năm 2025.
Tàu của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội tại Depot Nhổn |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, 3 dự án này gồm: tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc, tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi.
Trong năm 2022, Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội) đoạn đi trên cao.
Tuyến metro số 5 Văn Cao - Hòa Lạc là đường sắt đô thị tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, gồm 6,5 km đi ngầm, 2 km đi trên cao và 29 km đi trên mặt đất. Tuyến đi qua các quận: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và các huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất.
Dự án đang được Hội đồng Thẩm định nhà nước đánh giá, nếu được thông qua chủ trương đầu tư sẽ khởi công vào năm 2022, dự kiến vận hành năm 2026.
Tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 8,7 km đi ngầm toàn bộ theo hành lang Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2023 đến năm 2028.
Tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi đang lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật. Dự án được nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng vào cuối năm 2002 với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, phân kỳ thành 3 giai đoạn. Sau gần 20 năm, Dự án đã nhiều lần điều chỉnh phân kỳ đầu tư và tổng mức đầu tư.
Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại để khởi công giai đoạn 2025 - 2030.
Giá xăng, dầu đồng loạt tăng trở lại
Từ 15h ngày 25/12, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 470 đồng, RON 95 tăng 490 đồng, dầu tăng tối đa 240 đồng/lít.
Ngày 25/12 là kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu cuối cùng của năm 2021 |
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 là 22.550 đồng/lít (tăng 470 đồng); RON 95 là 23.290 đồng/lít (tăng 490 đồng).
Dầu hoả là 16.510 đồng/lít, tăng 190 đồng. Dầu diesel là 17.570 đồng/lít, tăng 240 đồng. Riêng dầu madut giữ nguyên giá như cách đây 15 ngày, là 15.740 đồng/kg.
Như vậy, sau hai đợt giảm giá liên tiếp, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã tăng trở lại.
Theo báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đến trước thời điểm ngày 25/12, doanh nghiệp này đang âm 269 tỷ đồng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Ở kỳ điều hành này, nhà chức trách không chi sử dụng Quỹ bình ổn với tất cả mặt hàng xăng, dầu. Thay vào đó, mỗi lít xăng E5 RON 92 sẽ được trích 100 đồng; xăng RON 95 là 550 đồng vào Quỹ bình ổn. Các mặt hàng dầu cũng trích vào Quỹ 200 - 552 đồng một lít, kg tuỳ loại.
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, bình quân 15 ngày qua giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng 1,5 - 3,5%. Chẳng hạn, một thùng xăng RON 95 lên mức 88,32 USD, tăng 3,43% so với kỳ trước; dầu diesel cũng tăng 1,6%, lên 84,77 USD...
Ngày 25/12 là kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu cuối cùng của năm 2021. Năm qua có 24 đợt điều chỉnh giá. Với xăng, có 16 lần tăng giá, 5 lần giảm và 3 lần giữ nguyên giá bán lẻ.
Đầu tư gần 1.300 tỷ đồng cho tuyến đường ven sông Đồng Nai
Tuyến đường ven sông Đồng Nai dài 5,2 km, tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng, kết nối TP. Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu, khởi công ngày 25/12.
Mô phỏng tuyến đường ven sông Đồng Nai |
Tuyến đường có điểm đầu ở cầu Hóa An và điểm cuối là khu vực giáp ranh huyện Vĩnh Cửu. Công trình có chiều rộng 34 m, trong đó vỉa hè mỗi bên 5 m, mặt đường 24 m với các hạng mục gồm: hệ thống tín hiệu giao thông, thoát nước, lát gạch vỉa hè, cây xanh, xây dựng cầu Rạch Lung, hệ thống chiếu sáng...
Trong tổng vốn đầu tư, chi phí xây dựng là hơn 473 tỷ đồng, kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 700 tỷ đồng, còn lại là chi phí khác. Để thực hiện Dự án, TP. Biên Hòa thu hồi đất của 587 hộ dân, trong đó có 302 hộ giải tỏa trắng.
Cũng với dự án trên, chính quyền Tỉnh đã phê duyệt Dự án Xây dựng kè sông Đồng Nai dọc theo tuyến đường này và khởi công trong vài tháng tới. Địa phương sẽ xây hầm chui với kinh phí 300 tỷ đồng đi qua cầu Hóa An kết nối tuyến đường ven sông hiện hữu với dự án mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, thời gian tới, có nhiều dự án quy mô lớn được triển khai nhằm xây dựng TP. Biên Hòa hiện đại, đặc biệt là phát triển trục đô thị ven sông.
Hà Nội bỏ đề xuất quy hoạch sân bay thứ hai tại huyện Ứng Hòa
Lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết, Thành phố đang nghiên cứu vị trí quy hoạch sân bay thứ hai trước năm 2030, song bỏ đề xuất tại huyện Ứng Hòa.
Sân bay Nội Bài đang được đề xuất điều chỉnh quy hoạch lên 100 triệu hành khách/năm |
Trước đây, Hà Nội đề xuất vị trí sân bay thứ hai tại huyện Ứng Hòa, do đây là một trong bốn địa điểm sân bay được xác định trong quy hoạch vùng thủ đô. Song hiện nay, Thành phố xác định sơ bộ khu vực Ứng Hòa là không phù hợp do điều kiện vùng trời không đảm bảo hoạt động bay.
Thay cho Ứng Hòa, Thành phố đang nghiên cứu vị trí sân bay tại các huyện phía Đông và Đông Nam như Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai...
Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, Hà Nội sẽ đồng thuận nếu quy hoạch ngành xác định vị trí sân bay thứ hai không nằm trên địa giới của Thủ đô. Bởi sân bay này có mục tiêu phục vụ nhu cầu người dân ở cả các tỉnh phía Nam lân cận như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình...
Ông Tuấn cho biết, theo Dự thảo Quy hoạch cảng hàng không toàn quốc, sân bay Nội Bài dự kiến nâng công suất lên 60 - 65 triệu hành khách đến năm 2030 và đạt 100 triệu hành khách đến năm 2050. Điều này đồng nghĩa, Thành phố sẽ phải thu hồi đất, mở rộng Sân bay với diện tích đất gấp đôi quy mô hiện nay. Đây là mục tiêu phát triển quốc gia nên Thành phố sẽ quyết tâm thực hiện.
Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Bộ đề xuất quy hoạch sân bay thứ hai hỗ trợ cho Nội Bài về phía Đông Nam Hà Nội. Sân bay này sẽ có công suất 50 triệu hành khách/năm đến 2050.