Bản tin thời sự sáng 31/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đèo Bảo Lộc có nguy cơ sạt lở; TP.HCM sẽ giải tỏa hơn 1.800 hộ làm cao tốc nối đến Mộc Bài; hủy 4 quyết định phê duyệt giá đất ở Nha Trang; các cửa khẩu Lạng Sơn hoạt động xuyên suốt dịp nghỉ lễ 2/9…

Đèo Bảo Lộc có nguy cơ sạt lở

Sau những trận mưa lớn kéo dài, tuyến đèo Bảo Lộc dẫn lên TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) có nguy cơ sạt lở, chính quyền đang tập trung khắc phục.

Tuyến đèo Bảo Lộc dẫn lên TP. Đà Lạt (Lâm Đồng)

Tuyến đèo Bảo Lộc dẫn lên TP. Đà Lạt (Lâm Đồng)

Ngày 30/8, Trạm Cảnh sát giao thông Mađaguôi cho biết, điểm sạt trượt trên đèo Bảo Lộc thuộc thị trấn Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai. Tại đây, các tảng đá lớn từ trên vách núi phía taluy dương lăn xuống mương thoát nước mặt đường đèo. Khu vực trên đèo xuất hiện các vết xói mòn đất.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng, hàng năm, khi xảy ra mưa lớn dài ngày, khu vực đèo Bảo Lộc ghi nhận tình trạng đá lăn xuống mặt đường đèo. Trước tình trạng này, UBND Tỉnh đề nghị đơn vị chuyên trách giao thông là Khu quản lý đường bộ IV khảo sát khắc phục.

"Đợt này, cơ quan chuyên môn đang tiến hành khoan địa chất để xử lý và xây kè chống sạt lở. Hiện tại, đèo vẫn đảm bảo để xe chạy qua", lãnh đạo Sở Giao thông vận tải nói và cho biết, cơ quan chức năng Tỉnh sẽ túc trực trên đèo điều tiết giao thông dịp lễ 2/9.

Đèo Bảo Lộc dài khoảng 10 km, gồm 2 làn xe, nằm trên Quốc lộ 20 - một trong những tuyến chính từ TP.HCM, Đồng Nai tới TP. Đà Lạt. Với nhiều đoạn cua gấp, dốc cao, đèo là một trong những cung đường nguy hiểm với tài xế, từng xảy ra nhiều vụ tai nạn.

Nhiều vụ sạt lở đất đã xảy ra trên đèo Bảo Lộc, nhất là vào mùa mưa. Trong đó, vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tháng 7/2023 khi một mảng đồi ập xuống trụ sở cảnh sát giao thông khiến 3 chiến sĩ cảnh sát giao thông và 1 người dân tử vong.

TP.HCM sẽ giải tỏa hơn 1.800 hộ làm cao tốc nối đến Mộc Bài

Khoảng 1.808 hộ thuộc 11 xã ở huyện Củ Chi bị ảnh hưởng bởi cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dự kiến được Thành phố chi hơn 7.100 tỷ đồng để giải tỏa mặt bằng.

Phối cảnh cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khi hoàn thành

Phối cảnh cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khi hoàn thành

Thông tin trên được đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết ngày 30/8, liên quan đến kế hoạch thu hồi đất làm dự án cao tốc đoạn qua địa bàn Thành phố.

Đây là tuyến đường nối TP.HCM đến Tây Ninh, dài gần 51 km, điểm đầu giao với Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi; điểm cuối kết nối Quốc lộ 22 thuộc huyện Bến Cầu. Trong đó, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở địa bàn TP.HCM là Dự án thành phần 3.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đoạn cao tốc qua Thành phố dài hơn 24 km, có khoảng 1.808 trường hợp bị ảnh hưởng, thuộc 11 xã ở huyện Củ Chi. Đến nay, khoảng 99% số hộ đã được địa phương thu thập thông tin và giấy tờ sử dụng đất. Địa phương ban hành quyết định thu hồi đất và bắt đầu chi trả đền bù từ tháng 4/2025 để bàn giao mặt bằng cho Dự án. Huyện dự toán tổng kinh phí đền bù hơn 7.100 tỷ đồng, tăng 1.832 tỷ so với khái toán trước đây do áp dụng theo Luật Đất đai mới.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, quá trình giải phóng mặt bằng cho cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ cơ bản triển khai như Vành đai 3 - dự án kiểu mẫu về công tác đền bù, tái định cư. Trong đó, Thành phố vận dụng các cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 98, Luật Đất đai 2024 nhằm đảm bảo người dân được hưởng lợi tốt nhất khi bàn giao mặt bằng.

Hủy 4 quyết định phê duyệt giá đất ở Nha Trang

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa vừa ký văn bản hủy bỏ 4 quyết định phê duyệt giá đất tại các dự án ở TP. Nha Trang. Lý do, 4 quyết định trên đã căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực.

Chung cư Napoleon Castle I ở Nha Trang, Khánh Hòa

Chung cư Napoleon Castle I ở Nha Trang, Khánh Hòa

Ngày 30/8, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này đã ký văn bản hủy bỏ 4 quyết định phê duyệt giá đất của UBND tỉnh Khánh Hòa.

Lý do là 4 quyết định trên được ban hành căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực.

4 quyết định được ban hành từ ngày 16 đến ngày 20/8 về việc phê duyệt giá đất cụ thể tại Dự án Chung cư Napoleon Castle I, Khu đô thị mới Lê Hồng Phong II, khu đất số 2 đường Yersin và Khu đô thị mới Phước Long (đều ở TP. Nha Trang).

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, đơn vị này có văn bản tham mưu UBND Tỉnh ban hành quyết định phê duyệt giá đất cho 4 dự án trên trước ngày 1/8. Tuy nhiên, thời điểm UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành các quyết định phê duyệt là sau ngày 1/8, ngày Luật Đất đai 2024 bắt đầu có hiệu lực.

Cũng theo vị lãnh đạo này, sau khi hủy bỏ, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND Tỉnh ban hành 4 quyết định phê duyệt giá đất mới. Các quyết định mới này vẫn giữ nguyên giá đất cụ thể của từng dự án, chỉ thay đổi nội dung căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật cho đúng với thời điểm hiện tại.

Theo nhà đầu tư, việc phê duyệt giá đất cụ thể có ý nghĩa hết sức quan trọng để cơ quan chức năng xác định nghĩa vụ tài chính của các bên liên quan, làm cơ sở để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Việc chậm phê duyệt giá đất cụ thể của 4 dự án trên đã kéo dài nhiều năm nay khiến chủ đầu tư và các nhà đầu tư thứ cấp gặp nhiều khó khăn trong kế hoạch tài chính.

Các cửa khẩu Lạng Sơn hoạt động xuyên suốt dịp nghỉ lễ 2/9

Dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn diễn ra hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bình thường, xuyên suốt.

Xe chở hàng xuất khẩu chờ được thông quan tại cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn)

Xe chở hàng xuất khẩu chờ được thông quan tại cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn)

Ngày 30/8, thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn diễn ra các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bình thường, xuyên suốt tại các cửa khẩu: quốc tế Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma và cửa khẩu quốc tế ga Đồng Đăng.

Riêng hai cửa khẩu Na Hình và Nà Nưa vẫn thực hiện hoạt động bình thường, tuy nhiên từ tháng 5/2024 đến nay không có hàng hóa xuất nhập khẩu thông quan qua đây.

Trên tinh thần "làm hết việc chứ không hết giờ", lực lượng chức năng tại các cửa khẩu của Lạng Sơn vẫn luôn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa. Theo đó, đối với lực lượng hải quan, ngoài việc phân công cán bộ, công chức trực xử lý thủ tục thì còn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp để thực hiện các thủ tục thông quan nhanh gọn, chính xác và đúng quy định.

Lực lượng biên phòng duy trì lực lượng, điều tiết phương tiện xe xuất nhập khẩu ra vào cửa khẩu hợp lý, đúng luồng đúng tuyến, không để ùn ứ và phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự cửa khẩu.

Tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu là nông sản, hoa quả tươi, ô tô, linh kiện điện tử, máy công nghiệp, hàng gia dụng…

Theo Hải quan tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 8/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu các loại hình qua địa bàn Tỉnh đạt trên 40 tỷ USD, tăng trên 26,58% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng kim ngạch hàng hóa mở tờ khai qua Cục Hải quan Lạng Sơn đạt trên 3,3 tỷ USD.

Phú Thọ yêu cầu 27 đơn vị dừng khai thác cát, sỏi trên sông Hồng và sông Đà

UBND tỉnh Phú Thọ vừa ban hành văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động 27 đơn vị khai thác cát, sỏi trên sông Hồng và sông Đà vì có dấu hiệu không tuân thủ các quy định về thiết kế mỏ trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn.

Hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Hồng

Hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Hồng

Ngày 30/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn ký ban hành Văn bản số 3601 về việc chấn chỉnh tình trạng doanh nghiệp có dấu hiệu không tuân thủ các quy định về thiết kế mỏ trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn Tỉnh.

Chủ tịch UBND Tỉnh yêu cầu, tạm dừng toàn bộ hoạt động khai thác của các đơn vị đã được cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông đang sử dụng các thiết bị, phương tiện khai thác có công suất khai thác không phù hợp (công suất khai thác lớn hơn so với công suất được phê duyệt) để lựa chọn thiết bị, phương tiện đúng theo hồ sơ thiết kế khai thác đã được thẩm định, phê duyệt hoặc điều chỉnh công suất khai thác, chế độ khai thác của mỏ.

UBND tỉnh Phú Thọ giao Công an Tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông...

Công an Tỉnh chủ trì, phổi hợp với Sở Tài nguyên và Môi truờng, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cuờng kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông; đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đển các doanh nghiệp để ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản, đặc biệt là các hành vi khai thác không đúng giấy phép theo quy định...

Một số đơn vị khai thác cát, sỏi trên sông Đà sẽ tạm dừng hoạt động như: Công ty TNHH Đầu tư khai thác khoáng sản Việt Nam (huyện Thanh Thủy), Công ty TNHH Hồng Lô Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy), Công ty CP Đầu tư Đèo Cả - Huy Hoàng (huyện Thanh Thủy), Công ty CP Kinh doanh vật liệu xây dựng Việt Hưng (huyện Thanh Sơn)...

Một số đơn vị khai thác cát, sỏi trên sông Hồng sẽ tạm dừng hoạt động như: Công ty CP Đầu tư tổng hợp Kim Thành (huyện Lâm Thao), Công ty TNHH Đại Bảo Phú Thọ (huyện Lâm Thao), Công ty CP Thương mại Đức Lưu Trang (huyện Cẩm Khê), Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng HĐ (huyện Cẩm Khê), Công ty TNHH Quyết Thắng (huyện Cẩm Khê)...

Bảo hiểm xe máy bắt buộc bồi thường gần 42 tỷ đồng nửa đầu năm 2024

Tỷ lệ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới chiếm chưa đến 10% (gần 42 tỷ đồng) trên doanh thu hơn 430 tỷ đồng nửa đầu năm nay.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ mô tô, xe gắn máy đạt hơn 431 tỷ đồng

Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ mô tô, xe gắn máy đạt hơn 431 tỷ đồng

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ mô tô, xe gắn máy là hơn 431 tỷ đồng. Trong đó, chi bồi thường gần 42 tỷ đồng, dự phòng bồi thường với hơn 35,8 tỷ đồng.

Như vậy, tỷ lệ chi bồi thường đối với bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới nửa đầu năm nay là gần 10%, thấp hơn nhiều so với mức bồi thường của năm ngoái và so với tỷ lệ bồi thường 35 - 50% của các loại bảo hiểm phi nhân thọ khác.

Năm ngoái, doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 4.342 tỷ đồng, trong đó bồi thường 948 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bồi thường gần 22%, cao hơn nhiều so với những năm trước.

Trong năm 2024, Bộ Tài chính cho biết, sẽ thanh tra việc triển khai bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Cơ quan này cũng sẽ kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy với 8 doanh nghiệp. Nếu phát hiện doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm quy định, Bộ Tài chính sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Khác với các loại bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới không chi trả thiệt hại về người và phương tiện cho người mua bảo hiểm hay được hiểu là chủ xe. Đây là loại bảo hiểm mà công ty bảo hiểm sẽ thay chủ xe để bồi thường cho quyền lợi của nạn nhân (bên thứ ba) nếu chủ xe không may gây tai nạn.

Thành lập công viên địa chất rộng gần 3.000 km2 ở Phú Yên

Công viên địa chất Phú Yên rộng gần 3.000 km2, nằm trên 7 đơn vị hành chính ở tỉnh Phú Yên. Sau khi thành lập Công viên, tỉnh này sẽ làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

Gành Đá Đĩa, danh thắng nổi tiếng ở Phú Yên

Gành Đá Đĩa, danh thắng nổi tiếng ở Phú Yên

Ngày 30/8, UBND tỉnh Phú Yên ban hành quyết định thành lập Công viên địa chất Phú Yên, tên tiếng Anh là "PHU YEN GEOPARK".

Theo quyết định, khu vực Công viên địa chất Phú Yên nằm trên địa giới hành chính 7 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh này như: thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An, một phần các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Sơn Hòa.

Tổng diện tích đất liền của Công viên rộng hơn 1.900 km² và diện tích mặt nước vùng nội thủy khoảng 1.000 km² (tính từ bờ ra đến độ sâu khoảng 50 m, bao gồm các đảo ven bờ).

Quyết định nêu rõ, Công viên địa chất Phú Yên sẽ được bảo tồn nguyên vẹn và khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững, tổng thể các giá trị di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, đa dạng sinh học và được định hướng để xây dựng hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên, qua khảo sát và tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo sơ bộ đều đánh giá Phú Yên hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chí Công viên địa chất toàn cầu.

TP.HCM tiếp tục thu giữ nhiều vàng, trang sức không rõ nguồn gốc

Đội Quản lý thị trường số 5 đã kiểm tra và tạm giữ số vàng, trang sức trị giá hơn 130 triệu đồng tại 4 doanh nghiệp.

Quản lý thị trường kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vàng ở quận 5 (TP.HCM)

Quản lý thị trường kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vàng ở quận 5 (TP.HCM)

Thực hiện các biện pháp quản lý thị trường vàng, Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường TP.HCM) đã kiểm tra đột xuất 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Quận 5.

Lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 11 sản phẩm dây chuyền không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc với tổng trị giá hơn 130 triệu đồng. Các vi phạm đang được tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật.

Trong 7 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra và thu giữ gần 1.600 sản phẩm vàng, trang sức vi phạm, trị giá hơn 14,2 tỷ đồng. Đã có gần 200 vụ vi phạm được xử lý, phần lớn liên quan đến vàng trang sức không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu. Nhà chức trách cũng theo dõi hoạt động bán vàng trên mạng xã hội và xử lý một số vụ vi phạm.

Trước đó, ngày 20/3, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Tài chính, Công Thương tăng cường quản lý thị trường vàng. Thời điểm đó, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng đã đóng cửa để tránh kiểm tra.

Sắp tới, Cục Quản lý thị trường TP.HCM tiếp tục triển khai kiểm tra đồng loạt các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn nhằm bình ổn thị trường trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh.