Bản tin thời sự sáng 5/10

(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra vụ Công ty Cây xanh Công Minh; dùng phà chở người và phương tiện thay cầu phao Phong Châu; thông xe nhánh hầm qua nút giao cửa ngõ phía Nam TP.HCM; giá vàng nhẫn vượt 83 triệu đồng/lượng, lập kỷ lục mới…

Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra vụ Công ty Cây xanh Công Minh

Bộ Công an đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động trình báo, cung cấp hồ sơ, tài liệu, khai báo về các sai phạm liên quan đến Công ty TNHH Cây xanh Công Minh để được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Công ty TNHH Cây xanh Công Minh trúng thầu nhiều dự án trồng, chăm sóc cây xanh, chỉnh trang đô thị tại các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp

Công ty TNHH Cây xanh Công Minh trúng thầu nhiều dự án trồng, chăm sóc cây xanh, chỉnh trang đô thị tại các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp

Chiều 4/10, tại họp báo Bộ Công an, đại diện các cục nghiệp vụ của Bộ đã thông tin về tiến độ điều tra vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Cây xanh Công Minh (Công ty Công Minh), vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, vụ Tập đoàn Thuận An và vụ án liên quan đến Dự án Sài Gòn Đại Ninh.

Tại họp báo, đại diện Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an cho biết, ngày 8/5/2024, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty TNHH Cây xanh Công Minh và các tỉnh, thành phố. Đến nay, vụ án chưa khởi tố bị can.

Về kết quả điều tra, Cơ quan An ninh điều tra xác định, Công ty Công Minh đã thông đồng với các chủ đầu tư để được tham gia xây dựng giá gói thầu từ giai đoạn lập dự án. Sau khi giá gói thầu được phê duyệt, Công ty Công Minh sẽ được chỉ định trúng thầu hoặc sử dụng các pháp nhân khác trong hệ thống của Công ty Công Minh tham gia đấu thầu và trúng thầu.

Kết quả rà soát cho thấy có khoảng 50 công ty thuộc hệ sinh thái của Công ty Công Minh tham gia đấu thầu trên 600 gói thầu tại nhiều địa phương, tổng trị giá hơn 3.500 tỷ đồng, đã được thanh toán 3.000 tỷ đồng.

Cơ quan An ninh điều tra đang tập trung điều tra, làm rõ trách nhiệm liên quan của các cá nhân, tổ chức, xử lý theo quy định, xác định thiệt hại gây ra và thu hồi cho Nhà nước.

Đồng thời, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động trình báo, cung cấp hồ sơ, tài liệu, khai báo về các sai phạm liên quan đến Công ty Công Minh để được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Dùng phà chở người và phương tiện thay cầu phao Phong Châu

Bộ đội dùng phà chuyên dụng chở người và phương tiện qua sông do cầu phao Phong Châu (Phú Thọ) tạm ngưng hoạt động khi nước sông Hồng dâng cao.

Phà được lắp từ đốt cầu phao, người đi trên phà phải mặc áo phao

Phà được lắp từ đốt cầu phao, người đi trên phà phải mặc áo phao

14h ngày 4/10, Lữ đoàn 249 Binh chủng Công binh, Bộ Quốc phòng đã đưa 2 phà vào hoạt động, mỗi phà được lắp ghép từ 3 đốt cầu phao và 1 đầu máy kéo.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, 2 phà sẽ hoạt động liên tục từ sáng đến 22h hàng ngày, mỗi chuyến chở khoảng 90 người và 45 phương tiện. Phà chỉ vận chuyển người và các loại xe thô sơ như xe máy, xe đạp. Để đảm bảo an toàn, tất cả hành khách đều phải mặc áo phao.

Trước đó, 10h ngày 9/9, cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng sập hai nhịp khiến 8 người mất tích. Đến nay, thi thể 4 nạn nhân đã được tìm thấy. Ngày 29/9, Lữ đoàn 249 lắp cầu phao để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Cầu phao nối hai xã Hương Nộn, huyện Tam Nông và Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao.

Tối 1/10, sau 1 ngày đi vào hoạt động, quân đội phải cắt nhịp cầu phao, tạm dừng phương tiện qua lại do lũ trên sông Hồng lên cao.

Thông xe nhánh hầm qua nút giao cửa ngõ phía Nam TP.HCM

Một nhánh hầm trên đại lộ Nguyễn Văn Linh băng qua nút giao Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7, được thông xe sáng 4/10, giúp giảm ùn tắc cửa ngõ phía Nam TP.HCM.

Ô tô chạy qua hầm chui trên đại lộ Nguyễn Văn Linh sáng 4/10

Ô tô chạy qua hầm chui trên đại lộ Nguyễn Văn Linh sáng 4/10

Đây là nhánh HC2, hướng Quận 7 đi Bình Chánh, một trong hai nhánh thuộc Dự án Xây dựng hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, khởi công cách đây 4 năm với tổng mức đầu tư 830 tỷ đồng (giai đoạn 1).

Công trình dài 456 m, trong đó gần 100 m đoạn kín chui qua giao lộ, còn lại là phần hở ở hai đầu. Đường hầm gồm 3 làn xe, vận tốc 60 km/h, bên trong được xây trạm bơm, hệ thống thoát nước, chiếu sáng... Hầm chui tổ chức giao thông một chiều cho ô tô chạy qua, cấm xe máy, người đi bộ; dừng đậu.

Sau khi nhánh hầm đưa vào khai thác, phần đường ô tô đại lộ Nguyễn Văn Linh hướng từ Quận 7 qua Bình Chánh tăng lên 5 làn, thay vì 2 làn như lúc thi công, thuận lợi cho xe đi thẳng. Nhánh hầm HC1 theo hướng ngược lại vẫn đang xây dựng nên xe trên đường Nguyễn Hữu Thọ chưa được băng qua nút giao. Thành phố đã triển khai phương án phân luồng, cho xe quay đầu tại một số vị trí xung quanh để đảm bảo an toàn.

Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ là một trong những nút giao lớn nhất Nam Sài Gòn, lưu lượng xe luôn dày đặc, nhất là ô tô trọng tải lớn. Theo Chủ đầu tư, ngoài khó khăn trong điều kiện vừa thi công vừa duy trì cho xe chạy, Dự án còn bị vướng mắc liên quan tới di dời hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông...). Quá trình thi công hầm kín cũng phức tạp do phải xử lý giao cắt với Metro số 4 (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước) theo quy hoạch.

Giá vàng nhẫn vượt 83 triệu đồng/lượng, lập kỷ lục mới

Giá vàng nhẫn trơn lên vùng đỉnh 83,3 triệu đồng/lượng bất chấp giá kim loại quý quốc tế biến động lên xuống trong vài ngày gần đây, chưa xác lập xu hướng rõ rệt.

Vàng nhẫn trơn tăng liên tục

Vàng nhẫn trơn tăng liên tục

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/10, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết ở mức 82 - 84 triệu đồng/lượng (mua - bán), giữ nguyên so với trước đó. Chênh lệch giữa 2 chiều mua và bán là 2 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn phiên ngày 3/10 được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng 400.000 đồng chiều mua và 300.000 đồng chiều bán, hiện được niêm yết tại 82 - 83,3 triệu đồng/lượng (mua - bán). Chênh lệch giữa 2 chiều mua và bán thu hẹp từ 1,4 triệu đồng về 1,3 triệu đồng. Đây là mức kỷ lục mới của giá vàng nhẫn.

Một số thương hiệu lớn thậm chí bán ra giá 83,6 triệu đồng/lượng vàng nhẫn. Còn loại vàng 0,3 - 0,5 chỉ được bán ra với giá 83,4 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, giá vàng ngày 4/10 đạt 2.644 USD/ounce, giảm 10 USD so với trước đó. Quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, vàng thế giới tương đương 79,4 triệu đồng/lượng.

Đề xuất xây đường băng số 2 sân bay Long Thành

Đường băng số 2 nằm song song đường băng số 1 được đề xuất xây dựng với kinh phí dự kiến khoảng 3.400 tỷ đồng, hoàn thành tháng 9/2026.

Đường băng số 1 đang được xây dựng ở sân bay Long Thành

Đường băng số 1 đang được xây dựng ở sân bay Long Thành

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có báo cáo gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đề xuất bổ sung hạng mục xây đường cất hạ cánh dài 4.000 m tại sân bay Long Thành (Đồng Nai), cùng với hệ thống đường nối, đèn tín hiệu, biển báo, quản lý bay... Tổng kinh phí khoảng 3.455 tỷ đồng từ vốn của ACV.

Mới đây, tại buổi thị sát và làm việc với ACV tại công trường sân bay Long Thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội điều chỉnh nghị quyết, sớm làm đường băng số 2 (thuộc Dự án thành phần 3 sân bay Long Thành) bên cạnh đường băng số 1 đã cơ bản hoàn thành.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rộng 5.000 ha, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng. Giai đoạn 1 xây 1 đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách mỗi năm, dự kiến hoàn thành năm 2026.

Theo báo cáo ACV, đến tháng 9, các dự án thành phần ở sân bay đạt tiến độ rất tốt. Hiện, tháp không lưu đã cất nóc, đang hoàn thiện. Gói thầu nhà ga hành khách đến nay đạt giá trị khối lượng trên 8.300 tỷ đồng, tương đương 25% giá trị hợp đồng, dự kiến hoàn thành trước tháng 12/2025. Công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ đạt khoảng 2.015 tỷ đồng, tương ứng 27%, vượt 3 tháng so với kế hoạch...

Hậu Giang sẽ xây khu đô thị nghỉ dưỡng lớn nhất miền Tây

Dự án đô thị nghỉ dưỡng lớn nhất miền Tây có vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD, được thiết kế hài hòa với cảnh quan văn hóa sông nước Nam Bộ.

Sơ đồ thiết kế khu đô thị nghỉ dưỡng gần 3.000 ha tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang

Sơ đồ thiết kế khu đô thị nghỉ dưỡng gần 3.000 ha tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang

Trong kế hoạch thực hiện Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong ban hành ngày 4/10, UBND tỉnh Hậu Giang cho hay, Dự án có tổng diện tích 2.945 ha tại huyện Châu Thành, giáp Quốc lộ 1A và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, kết nối sông Hậu, cách trung tâm TP. Cần Thơ hơn 10 km. Sau khi hoàn thành, Dự án có dân số khoảng 300.000 người, phục vụ 10.000 lượt khách mỗi ngày.

Từ nay đến tháng 8/2027, tỉnh Hậu Giang hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 và 1/500 Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong; xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng; lựa chọn nhà đầu tư; thu hồi đất, bồi thường, tái định cư và cấp phép xây dựng.

Theo Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Dự án nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư. Mục tiêu đầu tư Dự án kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng và trải nghiệm văn hóa đặc sắc của miền sông nước. Các hạng mục chính của Dự án gồm: khu công viên nước, công viên giải trí cảm giác mạnh, phố đi bộ ẩm thực và chợ nổi Mekong; khu làng - bảo tàng Mekong, sân khấu thực cảnh Mekong, sân golf 36 lỗ, trung tâm điều dưỡng - dưỡng lão, khu nhà vườn kết hợp vườn cây ăn trái...

Hậu Giang rộng hơn 1.600 km2, dân số hơn 733.000 người, xếp thứ 54 cả nước. Tỉnh được thành lập năm 2004 khi tách ra từ Cần Thơ. Đây là một trong những trung tâm lúa gạo ở miền Tây và đang trở thành địa phương thu hút đầu tư phát triển công nghiệp mạnh trong vùng.

Năm 2023, Hậu Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế xếp thứ hai cả nước (sau Bắc Giang). Tăng trưởng GRDP năm 2023 của Tỉnh đạt 12,27%, tăng 2 bậc so với năm trước, tiếp tục dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát hiện, xử lý hơn 4.700 vụ buôn lậu và gian lận thương mại trong quý III

Cơ quan Hải quan cho biết, các hoạt động buôn lậu đang diễn ra rất phức tạp trên cả tuyến biên giới đường bộ Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia, vùng biển Đông Bắc và tuyến biên giới Việt Nam - Lào.

Trong quý III, Hải quan đã phát hiện và xử lý 4.748 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa ước tính 7.584 tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước 141 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Trong quý III, Hải quan đã phát hiện và xử lý 4.748 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa ước tính 7.584 tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước 141 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Ngày 4/10, Tổng cục Hải quan cho biết, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong tháng 9/2024 và quý III diễn biến phức tạp với nhiều vụ việc vi phạm có dấu hiệu hình sự gia tăng.

Cụ thể, trong quý III, hải quan đã phát hiện và xử lý 4.748 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa ước tính 7.584 tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước 141 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ khởi tố tăng 25% và số vụ chuyển khởi tố tăng 50%. Tính chung 9 tháng, con số này lần lượt là 12.949 vụ, 23.757 tỷ đồng và 522,58 tỷ đồng tiền thu nộp ngân sách.

Bên cạnh đó, lực lượng hải quan cũng bắt giữ 62 vụ/80 đối tượng buôn bán ma túy, thu giữ 331,59 kg ma túy các loại. Lũy kế 9 tháng, các con số tương ứng 245 vụ/296 đối tượng và 1,64 tấn ma túy.

Các hoạt động buôn lậu diễn ra trên cả tuyến biên giới đường bộ Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia, vùng biển Đông Bắc và tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Hàng hóa buôn lậu đa dạng, bao gồm thực phẩm, thuốc lá, dầu diesel, gia cầm, tiền tệ, pháo nổ, đường kính trắng và đặc biệt là ma túy.

Các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia đang lợi dụng hoạt động thương mại và đầu tư để vận chuyển ma túy qua biên giới với diễn biến hết sức phức tạp tại 3 tuyến. Các băng nhóm tìm cách thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam để vận chuyển phương tiện, thiết bị, nguyên liệu, thuê kho bãi… phục vụ hoạt động sản xuất, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào trong nước và tiếp tục đưa đi nước thứ ba tiêu thụ. Bên cạnh đó, tiền chất nhập khẩu cũng tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng, sử dụng điều chế, sản xuất trái phép ma túy.

Tin cùng chuyên mục