Bản tin thời sự sáng 5/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sáng 5/9, không có ca mắc mới COVID-19, Đà Nẵng nới lỏng cách ly xã hội, gần 60 nhà thầu tham dự đấu thầu Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, TP.HCM tiếp nhận Tàu Metro Số 1 vào tháng 10…

Sáng 5/9, không có ca mắc mới COVID-19

Sáng ngày 5/9, Bộ Y tế cho biết, không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy 12h trôi qua, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Hiện nay, Việt Nam có 1.049 ca bệnh.

Sáng 5/9, không có ca mắc mới COVID-19, Việt Nam hiện có 1.049 ca bệnh

Sáng 5/9, không có ca mắc mới COVID-19, Việt Nam hiện có 1.049 ca bệnh

Tính đến 6h ngày 5/9, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tính từ 18h ngày 4/9 đến 6h ngày 5/9 không có ca mắc mới.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 43.154 người. Trong đó, 957 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 14.950 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 27.247 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 786 bệnh nhân COVID-19/1.049 ca mắc.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại 19 cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 24 ca; số ca âm tính lần 2 là 52 ca; số ca âm tính lần 3 là 23 ca. Đến nay, Việt Nam đã có 35 ca tử vong.

Đà Nẵng nới lỏng cách ly xã hội

Dịch COVID-19 được kiểm soát nên thành phố Đà Nẵng sẽ nới lỏng cách ly xã hội từ 0h ngày 5/9.

Từ 0h ngày 5/9, Đà Nẵng được nới lỏng cách ly xã hội

Từ 0h ngày 5/9, Đà Nẵng được nới lỏng cách ly xã hội

Quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới được Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ban hành chiều 4/9. Theo đó, sau 40 ngày áp dụng cách ly xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị 16, Đà Nẵng sẽ chuyển sang thực hiện Chỉ thị 19 khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát.

Thành phố cho phép các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống chỉ được bán hàng cho khách mang đi; đặt hàng và bán hàng qua mạng, giao hàng tận nơi cho khách hàng; nghiêm cấm phục vụ khách tại chỗ.

Đà Nẵng chưa cho tắm biển trở lại. Tuy nhiên để phục hồi kinh tế đang bị đứt gãy, Thành phố cho phép các khách sạn, cơ sở lưu trú mở cửa; dịch vụ tại đây như ăn uống, massage chưa được hoạt động.

Trước mắt TP. Đà Nẵng sẽ cho các phương tiện giao thông đường bộ hoạt động; riêng đường sắt và hàng không, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đang tham mưu Thành phố kiến nghị Bộ GTVT cho phép nối chuyến trở lại.

Người dân tiếp tục hạn chế ra khỏi nhà khi không có việc thực sự cần thiết; đeo khẩu trang nơi công cộng, công sở, trường học, nơi làm việc...

Đà Nẵng chưa cho phép tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; các hoạt động lễ hội, tôn giáo, giải đấu thể thao; tiệc liên hoan, đám cưới, đám tang, tân gia,...

Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu như các điểm vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, massage, quán bar, vũ trường, rạp phim, casino, điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng, trò chơi điện tử… và các hoạt động thể dục, thể thao tiếp tục tạm dừng, đóng cửa.

Khánh Hòa cho phép quán bar, massage hoạt động lại

Từ 0h ngày 5/9, các dịch vụ massage, quán bar, vũ trường, karaoke ở Khánh Hòa được trở lại bình thường, sau gần 1 tháng dừng hoạt động để phòng COVID-19.

Một quán karaoke ở TP Nha Trang đang đóng cửa phòng chống Covid-19, chiều 4/9

Một quán karaoke ở TP Nha Trang đang đóng cửa phòng chống Covid-19, chiều 4/9

Quyết định được UBND Khánh Hòa đưa ra sau khi tỉnh này trải qua 28 ngày không ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 trong đợt dịch thứ hai, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó chủ tịch UBND Khánh Hòa cho biết chiều 4/9.

Các các dịch vụ không thiết yếu như vũ trường, quán bar, karaoke, tiệm Internet, cơ sở massage và các hoạt động sự kiện, tôn giáo, lễ hội... trở lại bình thường.

Tuy nhiên, người dân vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như: hạn chế tập trung đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài công cộng, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc tối thiểu một mét...

UBND Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương không được chủ quan phòng chống dịch, tuyên truyền cho người dân, du khách tự giác thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Chính phủ và Bộ Y tế trong phòng chống COVID-19.

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết: Gần 60 nhà thầu tham dự đấu thầu

59 nhà thầu mua 139 bộ hồ sơ tham gia đấu thầu Dự án Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết qua địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Toàn cảnh lễ mở thầu 4 gói thầu xây lắp tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Toàn cảnh lễ mở thầu 4 gói thầu xây lắp tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Sáng ngày 4/9, Ban Quản lý dự án (QLDA) 7 đã tổ chức mở thầu các gói thầu xây lắp tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận). Theo Ban QLDA 7 Dự án Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có 4 gói thầu xây lắp và 4 gói thầu tư vấn, 4 gói thầu bảo hiểm công trình.

Sau khi phát hành hồ sơ mời thầu đã có 59 nhà thầu mua 139 bộ hồ sơ. Về tiến độ đấu thầu, Ban QLDA 7 cho biết ngày 3/9 đã mở thầu 4 gói thầu tư vấn giám sát, các gói thầu bảo hiểm công trình sẽ được mở thầu trong hai ngày 9/9 và 18/9.

Dự kiến, tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết sẽ được khởi công vào cuối tháng 9/2020.

Tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8km, đi qua 21 xã, 4 huyện qua địa bàn tỉnh Bình Thuận. Tuyến cao tốc có điểm đầu tại Km 134+00 (trùng điểm cuối Dự án Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo), điểm cuối tại Km 235+00 (kết nối vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây). Tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 4 làn xe, giai đoạn 2 đầu tư mở rộng thành 6 làn xe.

TP.HCM: Tháng 10 tiếp nhận tàu Metro Số 1

6 chuyên gia Nhật ngày 18/9 sẽ qua TP.HCM, cách ly 14 ngày phòng Covid-19 để tiếp nhận tàu Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến đưa về trong tháng 10.

Do ảnh hưởng Covid-19 nên đoàn tàu Metro Số 1 đang nằm tại nhà máy ở Nhật Bản

Do ảnh hưởng Covid-19 nên đoàn tàu Metro Số 1 đang nằm tại nhà máy ở Nhật Bản

Ngoài 6 nhân sự này, hai chuyên gia Hàn Quốc làm việc tại Dự án đã nhập cảnh ngày 24/8. Sau khi cách ly đủ 14 ngày họ sẽ thực hiện lắp mái nhà ga Tân Cảng, quận Bình Thạnh. Đây là ga lớn nhất nhưng chưa hoàn thành lợp mái trong tổng số 11 ga trên cao của tuyến Metro Số 1.

Hồi đầu tháng 7, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) kiến nghị cho 100 chuyên gia làm việc tại Dự án được nhập cảnh. Trong đó, 82 người đến từ nhiều nước thuộc diện nhập cảnh dài hạn làm tại văn phòng, quản lý, lắp đặt, thi công metro nhưng chưa được vào Việt Nam sau ngày 18/3. 18 chuyên gia Nhật Bản còn lại dự tính qua Việt Nam trước, chờ tàu Metro cập cảng ngày 1/4 để chuẩn bị khâu chạy thử cũng phải ngưng lại.

Theo MAUR, hiện việc thi công gói thầu đoạn trên cao và depot đạt khoảng 86%. Tại Depot Long Bình (Quận 9), các hạng mục như trung tâm điều khiển, nơi bảo dưỡng, vị trí tàu dừng... đang hoàn thiện, đảm bảo cho hai đoàn tàu metro đầu tiên sắp về chạy thử đoạn trên cao từ Bình Thái đến depot này.

Metro Số 1 dài gần 20 km, từ Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình (Quận 9). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng sau khi điều chỉnh hồi tháng 11 năm ngoái. Công trình có 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. TP.HCM đặt mục tiêu đưa vào khai thác dự án vào cuối năm 2021.

Cựu giám đốc Ocean Bank Hải Phòng lĩnh án tử hình

Trần Thị Kim Chi, cựu giám đốc chi nhánh Hải Phòng Ngân hàng Ocean Bank, lập khống thẻ tiết kiệm, chiếm đoạt 414 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng.

Trần Thị Kim Chi (thứ 2 từ trái qua phải) cùng 3 bị cáo: Lê Vương Hoàng, Nguyễn Thị Minh Huệ và Chu Văn Nha

Trần Thị Kim Chi (thứ 2 từ trái qua phải) cùng 3 bị cáo: Lê Vương Hoàng, Nguyễn Thị Minh Huệ và Chu Văn Nha

Sáng 4/9, sau 5 ngày xét xử, 4 ngày nghị án, HĐXX TAND Hải Phòng tuyên Chi phải chịu hình phạt cao nhất cho hành vi tham ô tài sản. Cùng tội danh Lê Vương Hoàng (cựu kiểm soát viên) và Nguyễn Thị Minh Huệ (cựu trưởng phòng Kế toán kho quỹ) lĩnh án chung thân; Chu Văn Nha (cựu thủ quỹ) bị phạt 20 năm tù.

Tòa tuyên buộc Ocean Bank có trách nhiệm chi trả toàn bộ tiền gốc, tiền lãi cho 27 khách hàng mở thẻ tiết kiệm đã bị Chi cùng đồng bọn chiếm đoạt.

Theo cáo trạng, từ năm 2012 đến 8/2017, các bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng sơ hở của Ngân hàng trong công tác quản lý, phát hành thẻ tiết kiệm cho khách hàng. Họ dùng thủ đoạn gian dối, nhận tiền gửi tiết kiệm của khách hàng nhưng không hạch toán vào hệ thống quản lý của ngân hàng.

Các bị cáo sau đó tất toán khống, lập khống hồ sơ vay cầm cố thẻ tiết kiệm của khách hàng, phát hành 109 thẻ tiết kiệm ngoài hệ thống cho 27 khách hàng, chiếm đoạt của Oceanbank chi nhánh Hải Phòng số tiền gần 414 tỷ đồng. Hành vi này còn gây thiệt hại cho Ngân hàng hơn 9,3 tỷ đồng - tiền lãi 107 thẻ tiết kiệm của khách hàng, phát sinh từ thời điểm khách hàng nhận tiền lãi lần cuối cùng đến khi vụ án bị phát hiện, khởi tố.