TP.HCM sẽ có ứng dụng cho xe đặt lịch đăng kiểm
Dự kiến ngày 9/1, TP.HCM sẽ thử nghiệm ứng dụng (app) cho chủ ôtô đặt lịch đăng kiểm thay vì lấy số thứ tự trực tiếp tại các trung tâm để giảm ùn ứ.
Dòng xe xếp hàng dài lúc 4h sáng tại Trung tâm Đăng kiểm ở Quốc lộ 13, TP. Thủ Đức |
Thông tin trên được Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Hoà An cho biết, khi đề cập giải pháp giảm tải cho các trung tâm đăng kiểm trong bối cảnh nhiều cơ sở bị đình chỉ vì vướng sai phạm.
Theo ông An, ứng dụng thông báo lấy số thứ tự do Sở Giao thông vận tải Thành phố xây dựng, không chỉ áp dụng ở địa bàn mà cả 7 tỉnh khác ở miền Đông Nam Bộ. Trên ứng dụng, các trung tâm đăng kiểm sẽ thông báo số lượng xe còn nhận trong ngày và những khung giờ trống để người có nhu cầu đăng ký số thứ tự. Việc đặt lịch đăng kiểm qua ứng dụng giúp giảm thời gian, chi phí cho chủ xe. Ứng dụng sau khi thử nghiệm sẽ được đưa vào hoạt động chính thức đáp ứng nhu cầu dịp Tết.
TP.HCM đang có khoảng 888.000 ô tô, chiếm gần 20% số lượng ô tô trên cả nước, nhu cầu đăng kiểm mỗi ngày rất lớn, đặc biệt vào dịp Tết khi nhu cầu vận chuyển hàng hoá, hành khách tăng cao. Trong khi đó, Thành phố hiện chỉ còn 8 trong tổng số 17 trung tâm đăng kiểm hoạt động, công suất kiểm định 1.300 - 1.500 ô tô mỗi ngày, nên ùn tắc liên tục xảy ra những ngày qua.
Từ ngày 8/1, xuất cảnh sang Trung Quốc qua Lào Cai không phải xét nghiệm Covid-19
Từ ngày 8/1, khi Trung Quốc tái mở cửa, người xuất cảnh qua cửa khẩu Lào Cai sang quốc gia này không phải xét nghiệm Covid-19.
Hướng dẫn người dân làm thủ tục, giấy tờ xuất nhập cảnh trước ngày cửa khẩu khôi phục lại hoạt động bình thường |
Ông Hà Đức Thuận, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết, qua thư liên hệ cũng như gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giữa hai bên, ngày 8/1 tới, hai cửa khẩu chính của địa phương gồm Cửa khẩu quốc tế Lào Cai và Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành sẽ khôi phục lại trạng thái hoạt động bình thường.
Theo đó, việc phân luồng vẫn áp dụng như giai đoạn trước dịch: người dân, du khách thông thường sẽ làm thủ tục tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, xuất nhập cảnh qua cầu Hồ Kiều 2 bắc qua sông Nậm Thi, thời gian mở cửa từ 7 - 22 giờ; còn lái xe và phương tiện chở hàng hóa sẽ làm thủ tục tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, sang bên kia biên giới qua cầu Kim Thành bắc qua sông Hồng, thời gian quy định từ 7 - 19 giờ hằng ngày (theo giờ Hà Nội).
Các thủ tục liên quan đến hộ chiếu, thị thực, sổ thông hành được cơ quan chức năng địa phương tạo điều kiện tối đa phục vụ nhu cầu đi lại qua biên giới của người dân, lái xe, du khách từ ngày 8/1 tới.
Ông Hà Đức Thuận cho biết, ngoài vấn đề về con người, dự báo lượng phương tiện chở hàng hóa thông quan cũng sẽ gia tăng mạnh so với trước kia. Một bãi đỗ xe rộng 2,2 ha trong khu vực cửa khẩu vừa mới được san tạo, cộng thêm các tuyến đường phụ cận có thể đáp ứng nhu cầu đậu đỗ cho khoảng 2.000 phương tiện.
Đường dây tiêu thụ hàng triệu đô la Singapore giả bị triệt phá ở Hà Nội
Các đối tượng lập công ty thu mua, giao dịch ngoại tệ để kiếm lời. Trong những giao dịch này, có đến hơn 2 triệu đô la Singapore giả (SGD) đã được các đối tượng lưu hành.
Hình ảnh các bị can trong vụ án |
Ngày 6/1, Công an TP. Hà Nội đã thông tin về vụ triệt phá đường dây tiêu thụ hàng triệu đô la Singapore (SGD) giả. Lực lượng chức năng đã đề nghị truy tố Nguyễn Trung Nghĩa (trú TP.HCM); Đặng Thị Thuỳ Duyên (trú huyện Phúc Thọ, Hà Nội) và 8 bị can khác về tội "Lưu hành tiền giả". Đồng thời, đề nghị truy tố Nguyễn Trường Giang (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Qua công tác nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP. Hà Nội) nắm thông tin về đường dây mua bán hàng triệu đô la Singapore giả quy mô lớn. Các trinh sát phát hiện Đặng Thị Thùy Duyên tàng trữ 99 tờ tiền mệnh giá 10.000 SGD, được xác định là tiền giả.
Duyên khai nhận, tháng 11/2020, Duyên quen biết Vũ Văn Nam (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Qua trao đổi, Nam khoe có nguồn ngoại tệ, muốn đưa vào ngân hàng xử lý. Đối tượng hứa sẽ trả cho Duyên 5% trên tổng số tiền bán được là 16 tỷ đồng/1 triệu SGD.
Khi Duyên đem tiền giả tìm cách giao dịch thì bị phát hiện. Phòng An ninh điều tra (Công an TP. Hà Nội) đã điều tra xác định: Vũ Văn Nam và Nguyễn Trường Giang thành lập Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nguyên Vũ TCVN, ngành nghề kinh doanh là xây dựng. Công ty này không đăng ký chức năng mua bán ngoại tệ nhưng lại hoạt động thu gom và xử lý ngoại tệ. Công ty có vốn điều lệ theo đăng ký là 299 tỷ đồng nhưng không có tài sản thực.
Trong quá trình hoạt động, Nam và Giang chỉ đạo cấp dưới đi thu mua ngoại tệ rồi bán lại cho các cá nhân, tổ chức để kiếm lời. Trong số này có cả nguồn tiền đô la Singapore giả. Các đối tượng tuy biết là tiền giả nhưng vẫn tìm cách giao dịch vì lợi nhuận. Cơ quan điều tra xác định, nhóm 11 bị can đã lưu hành hơn 2 triệu SGD giả (khoảng 34 tỷ đồng) trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến nay.
Đà Nẵng tạm ngừng cấp phép thi công các công trình thời gian nghỉ Tết
Thời gian tạm dừng thi công kể từ ngày 18/1/2023 đến hết ngày 26/1/2023 (tức từ ngày 27 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão).
Thời gian tạm dừng thi công các công trình tại TP. Đà Nẵng từ ngày 18/1 đến hết ngày 26/1/2023 |
Sở Giao thông vận tải TP. Đà Nẵng vừa có văn bản đề nghị UBND Thành phố tạm ngừng cấp giấy phép thi công các công trình trên địa bàn trong thời gian nghỉ Tết (trừ các công trình phục vụ Tết và xử lý sự cố).
Thời gian tạm dừng thi công kể từ ngày 18/1/2023 đến hết ngày 26/1/2023 (tức từ ngày 27 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão). Việc tạm dừng thi công công trình trong thời gian này nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, phục vụ người dân vui Xuân, đón Tết Quý Mão năm 2023.
Sở Giao thông vận tải TP. Đà Nẵng cũng có văn bản yêu cầu trước và sau Tết Nguyên đán năm 2023, các ban quản lý dự án, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông triển khai công tác đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng, đặc biệt là các công trình đi qua các khu vực đông dân cư như Tỉnh lộ 601, đường ĐH2...
Giám đốc Trung tâm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam tại TP.HCM bị bắt
Ông Trần Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-03V, thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, cùng nhiều cấp dưới bị bắt với cáo buộc sai phạm trong kiểm định.
Trung tâm Đăng kiểm 50-03V tại TP. Thủ Đức |
Ngày 6/1, Công an TP. Thủ Đức đã khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Văn Chủ, ông Trịnh Lý Ân Phùng (Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-03V), 4 đăng kiểm viên và một người lao động tự do về hành vi Nhận hối lộ và Đưa hối lộ.
Động thái này được đưa ra sau gần 10 ngày khám xét Trung tâm Đăng kiểm 50-03V, mở rộng điều tra vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ và Giả mạo trong công tác xảy ra tại nhiều trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM và các tỉnh, thành.
Trung tâm Đăng kiểm 50-03V thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, có địa chỉ ở phường Tam Bình và chi nhánh ở phường Linh Trung, TP. Thủ Đức. Cơ quan điều tra cáo buộc, Giám đốc và các đăng kiểm viên đã câu kết với người ngoài, nhận tiền để bỏ qua lỗi của các ô tô khi đến đây đăng kiểm.
Một tháng qua, công an trên cả nước liên tiếp điều tra sai phạm trong đăng kiểm. Riêng Công an TP.HCM đã ra lệnh khám xét 13 trung tâm kiểm định, khởi tố 6 vụ án với 43 bị can về các tội danh Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ và Giả mạo trong công tác.
Sai phạm của các trung tâm này chủ yếu là bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công hoặc cho thuê phụ tùng không đảm bảo kỹ thuật. Đơn cử, xe mòn lốp thì nộp tiền thay lốp, thay thành thùng, thay một số bộ phận để đảm bảo tiêu chuẩn; sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải...
Lợi nhuận của MobiFone giảm hơn 2.000 tỷ đồng
Năm 2022, doanh thu, lợi nhuận của MobiFone đều đi xuống, trong đó lãi trước thuế giảm hơn 2.000 tỷ đồng.
Năm 2022, doanh thu, lợi nhuận của MobiFone đều đi xuống |
Thông tin này vừa được Tổng công ty Viễn thông MobiFone công bố. Tổng giám đốc MobiFone Tô Mạnh Cường cho biết, năm 2022, MobiFone đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ 31.366 tỷ đồng, chỉ tăng xấp xỉ 4,5% so với thực hiện năm 2021. Còn kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm hơn 440 tỷ đồng, xuống còn 4.310 tỷ đồng.
Dù đặt kế hoạch thận trọng, MobiFone vẫn không thể hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh này. Theo đó, nhà mạng dự kiến doanh thu công ty mẹ chỉ đạt 28.329 tỷ đồng (tương ứng 90% kế hoạch). Lãi trước thuế của Công ty là 2.713 tỷ đồng, xấp xỉ 63% kế hoạch và giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với năm 2021.
Điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của nhà mạng này năm ngoái là doanh thu data tăng trưởng 27% so với năm trước đó. Để bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu các dịch vụ viễn thông di động (thoại/sms), MobiFone đã tập trung đẩy mạnh kinh doanh data. Đồng thời, từ tháng 4/2022, MobiFone ra mắt hệ sinh thái tài chính số với dịch vụ ví điện tử MobiFone Pay và tiền điện tử Mobile Money. Thống kê đến tháng 12/2022, tổng số khách hàng Mobile Money khoảng gần 3 triệu, trong đó số lượng khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa là hơn 2 triệu, chiếm 70%...
Hơn 500 đầu máy, toa xe sắp phải loại bỏ vì hết niên hạn
Ngành đường sắt có 60 đầu máy, hơn 500 toa xe sắp hết niên hạn trong năm 2023, có thể ảnh hưởng nhu cầu đi lại của người dân.
Tàu khách tại Ga Sài Gòn |
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, việc loại bỏ các đầu máy, toa xe căn cứ theo quy định niên hạn phương tiện đường sắt. Số này chiếm khoảng 30% tổng số thiết bị hiện có.
Theo lãnh đạo VNR, việc đầu tư mua sắm mới với chi phí khoảng 8.000 tỷ đồng sẽ gây áp lực về tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Nếu không xin được cơ chế cho phép tiếp tục sử dụng số toa xe cũ thì VNR sẽ thiếu hụt hàng trăm đầu máy, toa xe phục vụ người dân.
Theo Tổng giám đốc VNR, một số nước lân cận không quy định niên hạn đầu máy, toa xe hoặc chỉ áp dụng với một số thiết bị của đoàn tàu. Vì vậy, ngành đang kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp tục sử dụng các toa xe cũ và chịu trách nhiệm về sự an toàn của thiết bị cho đến khi Luật Đường sắt được sửa đổi.
Ngoài ra, ông Mạnh đề xuất thời gian đăng kiểm các đầu máy, toa xe cũ có thể rút ngắn hơn quy định hiện nay để đảm bảo an toàn phương tiện.
Việc loại bỏ đầu máy, toa xe hết niên hạn được thực hiện theo Nghị định 65/2018/NĐ-CP. Cụ thể, đầu máy và toa tàu khách có niên hạn sử dụng tối đa 40 năm, toa hàng tối đa 45 năm.
Bắt giám đốc công ty sản xuất hàng giả
Ngày 6/1, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP. Hà Nội đã phá chuyên án đấu tranh với ổ nhóm sản xuất hàng giả quy mô lớn và thủ đoạn tinh vi.
Cơ quan công an thu giữ hàng nghìn sản phẩm, hóa chất làm hàng giả |
Đối tượng Lương Biên Cương, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Lương Gia Phát, cầm đầu ổ nhóm sản xuất hàng giả trên.
Thực hiện kế hoạch đấu tranh, tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế kiểm tra, phát hiện Nguyễn Xuân Tân, ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội đang bốc xếp, vận chuyển 3 thùng carton đựng 45 sản phẩm hóa chất cấy thép, nhãn hiệu Ramset Epcon G5 Pro không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, là hàng giả.
Qua khai thác, Nguyễn Xuân Tân khai nhận, toàn bộ số hàng hóa trên do Lương Biên Cương chỉ đạo sản xuất, vận chuyển đến số 67 tập thể Bà Triệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội để cất giấu và đem tiêu thụ. Sau đó, Tân lấy hàng giả từ địa chỉ trên đi giao cho khách thì bị cơ quan công an kiểm tra phát hiện.
Qua thu thập tài liệu, chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã triệu tập đối tượng Lương Biên Cương tới làm việc. Người này khai nhận từ đầu năm 2012, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Lương Gia Phát có kinh doanh thương mại và phân phối hóa chất cấy thép nhãn hiệu Ramset Epco G5 pro chính hãng.
Sau một thời gian nắm được thị trường và thấy kinh doanh có lợi nhuận, từ khoảng đầu năm 2020, Cương đã nảy sinh ý định sản xuất keo giả để kiếm lời. Để sản xuất hàng giả, Cương đặt mua keo không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc, đặt mua vỏ tuýp đựng keo, tự đặt in tem nhãn giả.
Khám xét khẩn cấp tại 6 địa điểm, công an đã thu giữ của các đối tượng: 1.083 sản phẩm hóa chất cấy thép giả nhãn hiệu Ramset Epcon G5 cùng nhiều sản phẩm nhãn hiệu khác, sản phẩm chưa hoàn thiện; nguyên liệu, công cụ, nhiều tem nhãn dùng để sản xuất hàng giả.