Việt Nam đón khách quốc tế từ tháng 11
Du khách đến Việt Nam không phải cách ly 7 ngày và có thể kéo dài hành trình du lịch sang địa phương khác sau khi hoàn thành chương trình du lịch tối thiểu 7 ngày.
Du khách quốc tế đến Việt Nam không phải cách ly 7 ngày |
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa ban hành hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Theo đó, lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế được chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ tháng 11/2021, thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại TP. Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh.
Giai đoạn 2 từ tháng 1/2022, mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ. Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp các điểm đến tại 5 địa phương ở giai đoạn 1, sau khi khách du lịch đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày.
Giai đoạn 3 sẽ mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu giai đoạn 3 sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.
Đối với khách du lịch quốc tế, yêu cầu đáp ứng các điều kiện về xuất nhập cảnh và các điều kiện về y tế. Cụ thể có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận...
Có kết quả âm tính với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RTPCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh.
Có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 50.000 USD và phải tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành….
Cựu Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Duy Linh bị phạt 14 năm tù
Cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Nguyễn Duy Linh bị phạt 14 năm tù do nhận hối lộ 5 tỷ đồng, vắng mặt tại buổi tuyên án; bị cáo Hồ Hữu Hòa được trả tự do ngay tại phiên tòa.
Phan Văn Anh Vũ (bìa phải), Nguyễn Duy Linh (giữa) và Hồ Hữu Hòa |
Sáng 6/11, TAND TP. Hà Nội tuyên bị cáo Nguyễn Duy Linh (cựu sĩ quan công an) 14 năm tù về tội Nhận hối lộ. Trong buổi tuyên án, ông Linh xin vắng mặt do gặp vấn đề về sức khỏe. Trước đó, luật sư cho biết bị cáo này mắc bệnh suy tim.
Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") bị phạt 7 năm 6 tháng tù về tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt của các bản án, bị cáo Vũ lĩnh 30 năm tù.
Bị cáo còn lại là Hồ Hữu Hòa (hành nghề xem phong thủy) lĩnh mức án bằng thời gian tạm giam, tính từ ngày 12/3/2019 đến nay. Hòa được trả tự do tại tòa.
HĐXX nhận thấy tại tòa, Hồ Hữu Hòa thành khẩn khai nhận hành vi môi giới hối lộ trong việc giúp đỡ, kết nối để Phan Văn Anh Vũ đưa tiền cho ông Nguyễn Duy Linh.
Các bị cáo Nguyễn Duy Linh và Phan Văn Anh Vũ lúc đầu không thừa nhận cáo buộc nhận và đưa hối lộ. Sau đó, 2 bị cáo này thay đổi lời khai, cùng thừa nhận nhiều lần đưa và nhận quà. Trong đó có một lần Vũ đã đưa 5 tỷ đồng cho ông Linh. Bị cáo Linh cũng đã tác động gia đình để khắc phục số tiền này.
Hà Nội: Duy nhất huyện Ba Vì được mở cửa trường từ 8/11
5 ngày sau thông báo mở cửa các trường ngoại thành, ngày 6/11, UBND Hà Nội thay đổi quyết định, chỉ cho học sinh một số khối lớp tại huyện Ba Vì học trực tiếp.
Từ ngày 8/11, chỉ một số khối lớp của huyện Ba Vì (Hà Nội) được học trực tiếp |
Theo đó, tại mỗi xã, thị trấn của huyện Ba Vì, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 lựa chọn một trường phổ thông có dịch ở cấp độ 1 hoặc 2, trong 14 ngày qua không ghi nhận F0 cộng đồng, để cho học sinh trở lại trường từ 8/11.
Với khối tiểu học, học sinh lớp 5 được học trực tiếp, khối THCS là học sinh lớp 6 và 9 được học trực tiếp, khối THPT là lớp 10 và 12 được học trực tiếp. Các khối còn lại của huyện Ba Vì và 29 quận, huyện còn lại tiếp tục học trực tuyến.
Chính quyền và ngành giáo dục thủ đô lo ngại sự gia tăng của các ca nhiễm cộng đồng và các ổ dịch mới trong thời gian gần đây, nên thống nhất hoãn thời gian mở cửa trường của hầu hết vùng ngoại thành.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã nhiều lần lên phương án cho học sinh trở lại trường. Vào 18/10, Sở có văn bản đề xuất cho toàn bộ học sinh 18 huyện, thị ngoại thành và các khối 5, 6, 9, 10, 11 và 12 của 12 quận nội thành đi học trực tiếp từ 25/10. Tuy nhiên, thời điểm đó, tình hình dịch bệnh ở một số nơi của Hà Nội và các tỉnh lân cận vẫn phức tạp, Sở xác định chưa phải thời điểm an toàn để đi học lại, nên đã rút đề xuất để xây dựng các phương án khác.
Đến 30/10, Sở tiếp tục đề xuất phương án cho học sinh khối 5, 6, 9, 10 và 12 của 18 huyện, thị xã học trực tiếp từ 8/11, các khối còn lại cùng toàn bộ học sinh nội thành duy trì học online. Một ngày sau, đề xuất được UBND Hà Nội thông qua.
Từ tháng 5, hơn 2,2 triệu học sinh Hà Nội bắt đầu học trực tuyến do Covid-19 bùng phát lần thứ tư. Dù nhiều lần lên kế hoạch mở cửa trường học, Hà Nội vẫn chưa thể cho học sinh học trực tiếp.
Việt Nam lập kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 3 tuổi
Bộ Y tế đang xây dựng Kế hoạch sử dụng vắc-xin Covid-19 năm 2022 trong đó lập kế hoạch sử dụng vắc-xin cho trẻ từ 3 tuổi trở lên.
Bộ Y tế đang đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng vắc-xin năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn |
Bộ Y tế đang xây dựng Kế hoạch sử dụng vắc-xin Covid-19 năm 2022 và xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc mở rộng độ tuổi tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)…
Theo Bộ Y tế, Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi ở Việt Nam đã chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc.
Hiện 7 địa phương tiến hành tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi là: TP.HCM, TP Đà Nẵng, Bình Dương, Kiên Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh và Vĩnh Long. Khoảng 800.000 liều vắc-xin đã được tiêm. Một số địa phương khác đã lên kế hoạch triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ khi vắc-xin được phân bổ.
Bộ Y tế đang hướng tới độ vắc-xin bao phủ dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 100% trong quý 4/2021 và đầu năm 2022.
Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát nhu cầu vắc-xin Covid-19 những tháng cuối năm 2021 và xây dựng kế hoạch năm 2022 để tiêm cho người dân. Kế hoạch của các địa phương là cơ sở để Bộ Y tế phân bổ vắc-xin trong tháng 11 và 12/2021 và xây dựng kế hoạch tiêm chủng năm 2022.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo các nhóm tuổi: 3-11 tuổi, 12-15 tuổi, 16-17 tuổi và đề xuất nhu cầu sử dụng vắc-xin cho những nhóm tuổi này.
Đồng thời, các tỉnh xây dựng kế hoạch sử dụng vắc-xin năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn, trong đó bao gồm việc tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 cho người đã tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19.
Bộ Giao thông Vận tải không đồng ý nhập 37 toa xe cũ của Nhật
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang tổng hợp ý kiến các bộ ngành, về cơ bản không đồng thuận với đề nghị nhập 37 toa xe cũ được Nhật Bản chuyển giao miễn phí.
Các toa tàu tự hành phía Nhật Bản dự kiến trao tặng đường sắt Việt Nam |
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Bộ thông cảm với doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh, nhưng việc nhập các toa tàu cũ về Việt Nam phải tuân thủ quy định.
Theo Luật Đường sắt, việc đăng kiểm phương tiện đường sắt khi đưa vào sử dụng phải còn niên hạn. Nghị định của Chính phủ cũng quy định nếu phương tiện nhập khẩu đường sắt là toa xe thì đã qua sử dụng dưới 10 năm, chở hàng 15 năm. Trong khi các toa xe của Nhật Bản đã 40 năm.
Thứ trưởng Đông cho biết thêm, chi phí nhập về Việt Nam hoán cải cũng sẽ tốn kém, bởi khổ đường sắt của Nhật là 1,076 mm còn của Việt Nam là 1.000 mm. Bộ GTVT sẽ sớm báo cáo Chính phủ về nội dung này.
Ngày 16/10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) kiến nghị Chính phủ cho phép nhập 37 toa xe cũ được Nhật Bản chuyển giao miễn phí. 37 toa xe loại Kiha 40 và Kiha 48 được Nhật Bản sản xuất giai đoạn 1979 - 1982 do Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) sử dụng, hiện đã ngừng khai thác.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, sau khoảng 40 năm vận hành, cả hai loại toa xe không gặp vấn đề nghiêm trọng về an toàn và chất lượng. JR East sẽ chuyển giao miễn phí cho VNR các toa xe nếu có nhu cầu. Phía Việt Nam sẽ chịu chi phí liên quan đến nhập khẩu, cải tạo.
Dù không mất tiền mua, dự án có tổng vốn đầu tư 140 tỷ đồng, trong đó 40 tỷ đồng phí vận chuyển, 80 tỷ đồng hoán cải và các chi phí khác như đăng kiểm, tư vấn, dự phòng...
Tập đoàn Đèo Cả đề xuất giải pháp đầu tư cao tốc Vân Phong - Nha Trang
Công ty CP tập đoàn Đèo Cả vừa đề xuất phương án triển khai Dự án Cao tốc Vân Phong - Nha Trang.
Tập đoàn Đèo Cả đề xuất giải pháp đầu tư cao tốc Vân Phong - Nha Trang. Ảnh minh họa |
Theo đó, Công ty CP tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất 2 phương án tài chính để thực hiện Dự án; đồng thời kiến nghị tỉnh Khánh Hoà các vấn đề liên quan như: làm việc với các bộ, ngành Trung ương thúc đẩy chuyển cơ quan có thẩm quyền về Tỉnh để chủ động triển khai các bước tiếp theo, thống nhất giao cho Công ty hỗ trợ Tỉnh thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi, chứng minh các nguồn vốn đầu tư Dự án, thông qua hội đồng thẩm định liên ngành làm cơ sở để phê duyệt Dự án…
Theo tìm hiểu, Dự án Cao tốc Vân Phong - Nha Trang nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Dự án có chiều dài 83km, điểm đầu được kết nối với hầm Đèo Cả tại nút giao phía Nam hầm Cỗ Mã.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 13.500 tỷ đồng. Theo phương án Chính phủ trình Quốc hội ngày 22/9/2021, vốn ngân sách nhà nước tham gia khoảng 47,6% với thời gian hoàn vốn là 21 năm. Tuy nhiên, vừa qua Tập đoàn Đèo Cả phối hợp với Bộ GTVT đề xuất sử dụng thêm nguồn vốn từ gói kích cầu kinh tế. Cụ thể, vốn ngân sách nhà nước tham gia hơn 61%, với đề xuất này thì thời gian hoàn vốn giảm xuống còn 15 năm.
Ngoài ra, Tập đoàn Đèo Cả cũng đã đề xuất giải pháp cơ cấu nguồn vốn tối ưu để triển khai Dự án theo phương thức “3 chữ P” gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác thông qua các hình thức cổ phiếu, phát hành trái phiếu, hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), tín dụng... từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Sẽ quay thưởng xổ số với hóa đơn điện tử từ tháng 7/2022
Hóa đơn điện tử áp dụng từ tháng 7/2022 và người mua nếu lấy hóa đơn điện tử có thể tham gia quay thưởng như xổ số.
Theo Thông tư 78 của Bộ Tài chính, từ tháng 7/2022 người mua lấy hóa đơn điện tử có thể tham gia quay thưởng. |
Theo Thông tư 78 của Bộ Tài chính, hóa đơn điện tử sẽ được đồng loạt áp dụng từ tháng 7/2022 với hầu hết doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh. Cùng với đó, người mua lấy hóa đơn điện tử có thể tham gia quay thưởng.
Việc xổ số hoá hoá đơn điện tử đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng nhằm khuyến khích người dân lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Thực tế hiện nay, tại Việt Nam, người dân không có thói quen này.
Đây không phải lần đầu Bộ Tài chính đặt vấn đề triển khai xổ số với hoá đơn. Trước đó, năm 2018, trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất xây dựng giải pháp này.
Đại diện Tổng cục thuế cho biết, quy định về quay số trúng thưởng tại Thông tư 78 là hướng dẫn khung khi áp dụng rộng rãi hoá đơn điện tử. Tổng cục thuế sẽ có hướng dẫn chi tiết hơn, bảo đảm có chính sách quay số trúng thưởng khi có các dữ liệu đồng bộ, đầy đủ.
Nhóm áp dụng hóa đơn điện tử là trung tâm thương mại, siêu thị, bán lẻ hàng tiêu dùng, ăn uống, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, dịch vụ vui chơi, giải trí nộp thuế theo phương pháp kê khai. Do lượng hóa đơn xuất nhiều và liên tục nên các đơn vị này được dùng cả hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế.
Khoảng gần chục năm nay, doanh nghiệp được tự in hoá đơn hoặc sử dụng hóa đơn điện tử nếu có điều kiện. Tuy nhiên, Tổng cục thuế cho biết một số đối tượng đã lợi dụng chính sách này và xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lòng vòng để khấu trừ, hoàn khống thuế giá trị gia tăng hoặc rút tiền thanh toán từ ngân sách nhà nước... Chính sách về hóa đơn điện tử và quay thưởng hóa đơn cũng góp phần hạn chế tình trạng này.