Tuyến đường sắt nối với Trung Quốc dự kiến khởi công vào 2025
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối với Côn Minh (Trung Quốc) dự kiến khởi công vào năm sau.
Tuyến đường sắt nối với Trung Quốc dự kiến khởi công vào 2025. Ảnh minh họa |
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài khoảng 380 km, đường đôi, khổ 1.435 mm. Dự án nối với Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) tại điểm đầu Lào Cai. Bộ Giao thông vận tải đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, tổng mức đầu tư dự kiến 11 tỷ USD.
Tại cuộc gặp lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC) tại thành phố Côn Minh, ngày 6/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu khởi công tuyến đường sắt trên vào năm sau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, đây là một trong những tuyến đường sắt huyết mạch để kết nối Việt Nam - Trung Quốc, góp phần hiện thực hóa Sáng kiến Vành đai - Con đường. "Dự án này cũng giúp Vân Nam có đường ra biển nhanh hơn, còn các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo", Thủ tướng nói.
Ông Đới Hòa Căn, Chủ tịch Hội đồng quản trị CRCC cho biết, tập đoàn này đang cùng đối tác Việt Nam hoàn thành báo cáo tiền khả thi Dự án. Tập đoàn sẵn sàng tham gia và mong muốn phía Việt Nam rút ngắn thời gian thủ tục. Chính phủ Trung Quốc viện trợ họ khâu nghiên cứu khả thi và trao nhiệm vụ cụ thể cho CRCC để thúc đẩy Dự án, phấn đấu khởi công vào tháng 12/2025.
Cùng tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, lãnh đạo Chính phủ đề nghị CRCC nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng quy mô lớn khác của Việt Nam như đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án đường bộ cao tốc kết nối các tỉnh biên giới với Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Tuyến giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thay mặt Bộ Chính trị trao quyết định điều động bà Nguyễn Thị Tuyến |
Chiều 6/11, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương công bố quyết định của Bộ Chính trị để bà Nguyễn Thị Tuyến thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy, thôi giữ chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025, điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Đảng đoàn hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã bầu bà Tuyến giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027 với 100% đại biểu nhất trí. Bà Tuyến kế nhiệm bà Hà Thị Nga đã được Bộ Chính trị điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang.
Bà Nguyễn Thị Tuyến quê huyện Chương Mỹ, Hà Nội; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI (dự khuyết), XIII; đại biểu Quốc hội khóa XII; tiến sĩ xây dựng Đảng, cử nhân luật kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Tuyến từng làm Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tây (cũ), Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Bí Thư huyện ủy Chương Mỹ, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội. Từ tháng 10/2020 đến nay, bà Nguyễn Thị Tuyến giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Ông Trần Huy Tuấn làm Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái
Ông Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ông Trần Huy Tuấn được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái |
Sáng 6/11, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã bầu ông Trần Huy Tuấn làm Bí thư Tỉnh ủy với 100% đại biểu có mặt tán thành. Ông Tuấn đảm nhiệm cương vị mới thay ông Đỗ Đức Duy được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường hồi tháng 8.
Ông Trần Huy Tuấn quê huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái; trình độ kỹ sư thủy lợi, cử nhân kinh tế chính trị, thạc sĩ chuyên ngành kinh tế tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Trước khi được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, ông Trần Huy Tuấn kinh qua nhiều vị trí công tác tại Yên Bái như Chánh văn phòng UBND Tỉnh; Bí thư Huyện ủy Văn Yên; Chủ tịch HĐND huyện Văn Yên; Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.
TP.HCM thu thuế từ giao dịch nhà đất tăng 54% trong 9 tháng
Thu thuế giao dịch nhà đất tại TP.HCM tăng cao đến từ tâm lý người dân muốn hoàn tất giao dịch mua bán trước ngày Luật Đất đai mới có hiệu lực.
TP.HCM gia tăng các khoản thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản. Ảnh minh họa |
Cục Thuế TP.HCM vừa có báo cáo 9 tháng về tình hình thu ngân sách nhà nước với các khoản thu từ đất. Trong đó, tiền thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đạt 4.914 tỷ đồng, tăng gần 54% so với cùng kỳ năm trước.
Đơn vị này cho biết, việc tăng trưởng cao đến từ nguyên nhân nhu cầu giao dịch tăng cao của người dân, trong đó chủ yếu do tâm lý muốn hoàn tất giao dịch mua bán trước ngày Luật Đất đai mới có hiệu lực. Cục Thuế TP.HCM ghi nhận thu thuế tăng cao trong tháng 6 và tháng 7 với mức tăng 50% và 74% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, sau khi Luật Đất đai mới có hiệu lực từ 1/8 nhưng UBND TP.HCM chưa ban hành bảng giá đất mới đã khiến cho số lượng người giao dịch bất động sản giảm. Số lượt nộp thuế trong tháng 8 giảm 32% và giảm 28% về số tiền. Đến ngày 21/9, TP.HCM cho tạm áp dụng bảng giá đất hiện hành thì số lượt nộp thuế lại tăng 9% so với tháng 8, số tiền nộp cũng tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2024, TP.HCM thu ngân sách đối với các khoản thu từ đất đạt 10.510 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt gần 27% dự toán.
Trong đó, thu tiền sử dụng đất đạt 5.933 tỷ đồng, tăng gần 54% so với cùng kỳ năm trước. Kỳ này phát sinh một số khoản nộp đột biến, như 811 tỷ đồng được Công ty TNHH Nhà Khang Phúc nộp cho dự án ở huyện Bình Chánh.
Ngoài ra, tiền thuê đất 9 tháng đạt 4.234 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. Khoản này tăng do một số đơn vị địa ốc nộp tiền thuê đất một lần.
Hải Phòng giải ngân gần 9.500 tỷ vốn đầu tư công
TP. Hải Phòng giải ngân được vốn đầu tư công đạt 56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 47,3% kế hoạch Thành phố giao.
Hải Phòng sẽ tiếp tục đầu tư bến số 3 đến số 8 tại cảng Lạch Huyện |
Tính đến ngày 20/10,Tthành phố giải ngân được 9.447,348 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng so với trước đó một tháng. Năm 2024, Thủ tướng giao Hải Phòng giải ngân hơn 17.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, còn HĐND Thành phố giao giải ngân hơn 19.000 tỷ đồng.
HĐND TP. Hải Phòng đánh giá, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 của Thành phố vẫn còn hạn chế, thấp hơn so với tiến độ kế hoạch đề ra. Để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đạt tối thiểu 95% kế hoạch Thành phố đề ra, Thường trực HĐND đề nghị Thành phố khẩn trương rà soát, xây dựng và trình HĐND Thành phố thông qua bảng giá đất 5 năm 2024 - 2029 theo quy định của Luật Đất đai 2024, bảo đảm đúng nguyên tắc, sát với thực thế, công khai minh bạch.
Ngoài ra, khi lập chủ trương đầu tư các dự án, các đơn vị phải lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đảm bảo khoa học, sát với thực tế, tránh tình trạng bố trí vốn đầu tư công cao hơn so với thực tế triển khai, chi phí giải phóng mặt bằng cao hơn nhiều so với thực tế.
Thường trực HĐND TP. Hải Phòng đề nghị, chỉ bố trí vốn cho các dự án có khả năng giải ngân theo kế hoạch, tiến độ đề ra, tránh tình trạng bố trí vốn cho dự án không đủ khả năng giải ngân. Các dự án đã bố trí vốn nhưng không có khả năng giải ngân, sớm điều chỉnh cho các dự án khác để đảm bảo giải ngân trong năm 2024.
Trong thời gian tới, TP. Hải Phòng sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn như: xây dựng bến số 3 đến số 8 ở cảng Lạch Huyện; Nhà ga hành khách số 2 sân bay Cát Bi hay xây dựng cầu Nguyễn Trãi bắc qua sông Cấm.
Quảng Ninh sẽ phát triển đô thị sân golf trên các mỏ than hoàn nguyên
Quảng Ninh dự kiến chuyển đổi gần 4.200 ha khai trường mỏ than thuộc địa bàn 4 phường TP. Hạ Long thành đô thị sân golf.
Quảng Ninh sẽ phát triển đô thị sân golf trên các mỏ than hoàn nguyên. Ảnh minh họa |
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Phân khu 4 tại các phường Hà Lầm, Hà Trung, Hà Tu, Hà Phong và Hà Khánh, TP. Hạ Long.
Theo Quy hoạch chung Thành phố đến 2040, Phân khu 4 được định hướng hoàn nguyên môi trường (hoàn trả hiện trạng môi trường) từ khai trường mỏ than, trồng cây xanh tạo cảnh quan, sử dụng quỹ đất phù hợp để thu hút các dự án đô thị, du lịch, sân golf, đồng thời chuyển đổi các khu đất sản xuất đã hết hạn sử dụng sang dự án phát triển nhà ở với quy mô gần 4.200 ha.
Theo đó, phân khu gồm 3 không gian chính với chức năng ở; sản xuất, chế biến, khai thác than; vùng cảnh quan đã hoàn nguyên phục hồi môi trường và vùng bảo tồn rừng ngập mặn. Quy mô dân số khu vực này dự kiến tăng từ 6.000 người lên khoảng 16.000 người đến năm 2040.
Trên cơ sở cấu trúc đô thị, tiềm năng phát triển của từng khu vực, quy hoạch được chia thành 4 tiểu khu.
Khu IV-A (giáp tỉnh lộ 337) quy mô 740 ha, vốn là hoàn nguyên môi trường các khu vực khai thác than lộ thiên và bãi thải đã kết thúc khai thác, đổ thải. Tiểu khu này sẽ chuyển đổi thành khu cây xanh chuyên đề, trung tâm thể dục thể thao, khu hỗn hợp kết có nhà ở, khu dịch vụ, nhà xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở công nhân với chiều cao công trình tối đa 15 tầng, mật độ xây dựng trung bình 30%.
Khu IV-B (phía Đông đường 337), diện tích gần 780 ha, dự kiến bố trí công viên cây xanh chuyên đề, hồ chứa nước ngọt tại khu vực đáy mỏ than của Công ty than Hòn Gai, phường Hạ Khánh. Chiều cao công trình tối đa 30 tầng, mật độ xây dựng trung bình 20%.
Khu IV-C giáp sông Diễn Vọng, quy mô gần 623 ha, sẽ quy hoạch mới khu đất dịch vụ hỗn hợp, đất công cộng cấp đô thị đồng thời nâng cấp các khu dân cư hiện hữu, công trình hạ tầng xã hội.
Khu IV-D (khu vực đồi núi phía đông) có diện tích hơn 2.000 ha, được định hướng chuyển đổi các khu hoàn nguyên thành sân golf, công viên cây xanh chuyên đề, gắn với bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái vùng than, hài hòa với phát triển du lịch. Tiểu khu này được phép xây dựng tối đa cao 7 tầng, mật độ xây dựng trung bình 10%.
Quảng Ninh là tỉnh có nhiều lợi thế phát triển khu du lịch sân golf bởi đặc trưng địa hình hơn 80% diện tích là đồi núi, hơn 6.000 km mặt biển và cảnh quan thiên nhiên đẹp.
TP.HCM nêu 3 doanh nghiệp 'chiếm giữ tài sản nhà, đất của Nhà nước' ngay quận 1
Thanh tra TP.HCM vừa nêu tên 3 doanh nghiệp chiếm giữ tài sản, nhà đất của Nhà nước và kết luận là hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại lớn về tiền và tài sản của Nhà nước.
Khu đất 80 Nguyễn Huệ - địa chỉ bị Thanh tra TP.HCM xác định Công ty Công ích quận 1 cho thuê nhưng để nợ kéo dài |
Thanh tra TP.HCM vừa ban hành kết luận về trách nhiệm Chủ tịch UBND Quận 1 trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Quận (thời kỳ 2022 - 2023)
Trong kết luận liên quan đến nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Quận 1 (gọi tắt là Công ty Công ích Quận 1) trực tiếp quản lý, theo dõi, Thanh tra TP.HCM đã ghi nhận những dấu hiệu sai phạm của một số doanh nghiệp thuê đất.
Cụ thể, qua làm việc với các đơn vị liên quan, Thanh tra Thành phố ghi nhận, 3 doanh nghiệp thuê 6 địa chỉ nhà, đất phát sinh việc nợ đọng tiền thuê nhà trong nhiều năm (lũy kế từ 2018 đến 30/6/2024 là hơn 20 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 95,48% số nợ đọng), nhưng chậm bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt việc cho thuê.
3 doanh nghiệp này là Công ty CP Thực phẩm sản xuất và Thương mại Sài Gòn 1, Công ty CP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) và Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp II.
Theo Thanh tra Thành phố, đến nay, dù đã hết hạn hợp đồng thuê (tạm thuê) nhiều năm, nhưng 3 doanh nghiệp này vẫn chiếm giữ 4/6 địa chỉ nhà, đất và cả 6/6 địa chỉ nhà, đất còn nợ đọng tiền thuê lớn (trong đó tiền thuê đất là hơn 15 tỷ đồng).
Đặc biệt, qua kiểm tra, ghi nhận trong giai đoạn năm 2022 - 2023, 3 doanh nghiệp nêu trên đều sử dụng các địa chỉ nhà đất để kinh doanh thu lợi nhuận. Thậm chí có địa chỉ phát sinh việc cho thuê lại và đã thu tiền thuê của đối tác từ nhiều năm, nhưng viện dẫn lý do gặp khó khăn trong kinh doanh để không nộp tiền thuê nhà và cũng không trả lại nhà đất, không cam kết thời hạn khắc phục.
Theo Thanh tra Thành phố, việc 3 doanh nghiệp chiếm giữ tài sản nhà, đất của Nhà nước và không thanh toán tiền thuê nhà, đất là hành vi trái pháp luật, tiềm ẩn rủi ro thiệt hại lớn về tiền và tài sản của Nhà nước.
Qua đó, Thanh tra TP.HCM kết luận, các thiếu sót, vi phạm này thuộc về UBND Quận 1, Giám đốc Công ty Công ích Quận 1, các phó giám đốc phụ trách và các tổ chức, cá nhân có liên quan thời kỳ phát sinh vụ việc.
Hiện, Công ty Công ích Quận 1 đã nộp đơn khởi kiện tại Tòa án Nhân dân Quận 1 theo hướng dẫn của Công an Quận 1.