Tăng năng suất nội ngành đang có xu hướng giảm dần. Ảnh: Tiên Giang |
Theo chương trình này, Việt Nam sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh thông qua việc xây dựng và thực hiện các chính sách kinh tế, luật pháp và thể chế quan trọng giúp nền kinh tế nâng cao sức cạnh tranh.
Tồn tại hàng loạt nghịch lý
Đề cập về vấn đề tăng năng suất của Việt Nam tại Hội thảo Khởi động Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam diễn ra chiều ngày 13/12, ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cải cách kinh tế của Việt Nam những năm qua đạt được nhiều thành tựu khá rõ nét. Kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn khá ổn định. Tuy nhiên, thực tiễn nội tại nền kinh tế còn nhiều yếu kém tồn tại từ thời kỳ trước chưa được giải quyết một cách căn cơ, đồng bộ khiến năng suất nền kinh tế còn thấp so với các nước trong khu vực. Môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều rào cản, khoảng cách khá xa so với nền kinh tế thị trường khác.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phân tích, tuy mục tiêu tăng trưởng hàng năm luôn đạt kế hoạch, song nhìn về trung và dài hạn, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Với mức tăng trưởng này Việt Nam khó đuổi kịp và khó thu hẹp được khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực. Theo ông Cung, tốc độ tăng GDP đang ngày càng phụ thuộc vào tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, hiện năng suất lao động của Việt Nam còn khá thấp so với các nước trong khu vực.
“Năng suất lao động thời gian qua chủ yếu là phân bố lại khu vực từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, chứ tăng năng suất nội ngành đang có xu hướng giảm dần mà nguyên nhân là nền kinh tế đang tồn tại những nghịch lý”, ông Cung phân tích. Vẫn theo ông Cung, trong 30 năm qua đang có sự “bế tắc” trong chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế. Khu vực nhà nước vẫn chiếm 1/3 GDP, khu vực tư nhân chính thức chỉ chiếm 7 - 8% GDP, khu vực tư nhân phi chính thức chiếm khoảng 30% GDP, còn lại là sự đóng góp của khu vực FDI. Đặc biệt, chưa có sự chuyển dịch cơ cấu từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân chính thức và chuyển dịch từ khu vực kinh tế kém hiệu quả sang khu vực hiệu quả hơn.
Mặt khác, nền kinh tế còn tồn tại hàng loạt nghịch lý như vốn đầu tư vào nông nghiệp chưa tương xứng; khu vực thâm dụng vốn cao thì năng suất vốn lại thấp nhất do thâm dụng vốn không đi kèm với đổi mới công nghệ. “Rõ ràng, nền kinh tế đang có nút thắt ngăn cản tăng năng suất”, ông Cung nhận xét.
Còn nhiều dư địa để tăng năng suất
“Hiện nay, Việt Nam tăng trưởng kinh tế khoảng 6,7%, nếu cải cách nhờ thiết lập thị trường quyền sử dụng đất thì tăng trưởng kinh tế có thể ở mức 8%. Như vậy, dư địa về nâng cao hiệu quả sử dụng các tài sản, nguồn lực trong nền kinh tế còn rất lớn. Chúng ta cần đẩy mạnh cải cách để khơi thông các nguồn lực này”, ông Cung nêu quan điểm.
Đồng thuận về việc cần thúc đẩy cải cách để gia tăng tốc độ tăng năng suất của nền kinh tế, Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam với nội dung: “Xây dựng các thị trường cạnh tranh thúc đẩy tăng trưởng năng suất, hướng tới tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và bao trùm” gợi ý 3 giải pháp chính. Đầu tiên là phân bổ lại nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu thành phần kinh tế. Thứ hai là tiếp tục chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế. Và thứ ba là thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi cơ cấu nội ngành để tăng năng suất nội ngành của nền kinh tế.