Cần giải pháp đồng bộ để tăng năng suất lao động quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năng suất lao động là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo động lực phát triển cho nền kinh tế. Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ với Báo Đấu thầu về thực trạng và những giải pháp nâng cao năng suất lao động nhằm tăng sức cạnh tranh, đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.
Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm. Ảnh: Lê Tiên
Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm. Ảnh: Lê Tiên

Xin bà cho biết năng suất lao động của nước ta đang ở vị trí nào?

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động, tương đương 8.375 USD/lao động, tăng 269 USD so với năm 2022. Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2023 tăng 3,65% so với năm trước. Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm. Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực châu Á.

Tính theo PPP 2021, năng suất lao động của Việt Nam năm 2023 đạt 24,5 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% của Singapore; 15,1% của Brunei; 35,5% của Malaysia; 65,4% của Thái Lan; 85,6% của Indonesia. Đáng chú ý là sau 14 năm, chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với một số nước phát triển hơn có xu hướng tăng. Cụ thể, chênh lệch mức năng suất lao động (tính theo PPP 2021) của Singapore từ 155,5 nghìn USD năm 2010 lên 190,9 USD năm 2023; của Malaysia từ 42,5 nghìn USD lên 44,5 nghìn USD. Ở chiều ngược lại, chênh lệch năng suất lao động của Việt Nam với một số quốc gia có xu hướng giảm: Thái Lan giảm từ 16,5 nghìn USD xuống gần 13 nghìn USD; Indonesia giảm từ 6,9 nghìn USD xuống 4,1 nghìn USD; Brunei giảm từ 177,7 nghìn USD xuống 137,5 nghìn USD; Nhật Bản giảm từ gần 71 nghìn USD xuống 60,8 nghìn USD.

Trong các ngành kinh tế chính của Việt Nam, năng suất lao động của từng ngành ra sao và cần có sự chuyển dịch như thế nào để cải thiện?

Về năng suất lao động từng ngành thì sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng năng suất lao động bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011 - 2020 đạt 6,1%/năm, trong 3 năm 2021 - 2023 tăng 4,51%/năm. Tuy nhiên, đây lại là khu vực có mức năng suất lao động thấp nhất trong nền kinh tế.

Công nghiệp và xây dựng là khu vực có năng suất lao động cao nhất trong toàn nền kinh tế. Trong đó, nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí có năng suất lao động cao nhất.

Khu vực dịch vụ có năng suất lao động tăng đều qua các năm. Trong đó, ngành thông tin truyền thông có năng suất lao động cao nhất trong khu vực dịch vụ với gần 1.044 triệu đồng/lao động, gấp 5,2 lần năng suất lao động chung; ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt hơn 1.018 triệu đồng/lao động, gấp 5,1 lần…

Năng suất lao động chịu tác động của nhiều yếu tố, trong đó chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế là một yếu tố quan trọng, tác động mạnh mẽ đến chuyển dịch lao động. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế không chỉ làm thay đổi cấu trúc, tỷ trọng của các ngành kinh tế mà còn tác động tích cực làm thay đổi cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa góp phần làm nâng cao năng suất lao động. Do vậy, cơ cấu kinh tế nước ta cần tiếp tục có sự dịch chuyển từ ngành có năng suất lao động thấp (nông, lâm nghiệp và thủy sản) sang ngành có năng suất lao động cao hơn (dịch vụ, công nghiệp và xây dựng) để góp phần thay đổi chất lượng tăng trưởng.

Ở góc độ doanh nghiệp, cải tiến năng suất lao động là yêu cầu tiên quyết để trụ vững và phát triển. Bà có lời khuyên gì với doanh nghiệp?

Để phát triển ổn định và bền vững, nâng cao năng suất lao động thì doanh nghiệp cần thực hiện một số giải pháp như:

Xây dựng mô hình sản xuất phù hợp, chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp trên nền tảng số, quan tâm đến việc giữ chân người lao động, sắp xếp, cơ cấu lại lao động hợp lý.

Đổi mới máy móc thiết bị và quy trình công nghệ để duy trì và nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ trong quản lý nhân sự.

Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài nhằm cải thiện năng lực sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sự hợp tác này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.

Có ý kiến cho rằng, năng suất lao động của Việt Nam thấp là do phần lớn người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình. Bà đánh giá thế nào về vấn đề này?

Lao động phi chính thức tồn tại như một thành phần không thể thiếu đối với một quốc gia đang phát triển có quy mô dân số lớn như Việt Nam. Năm 2023, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức trong nền kinh tế khá cao (65,1%) so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Lao động phi chính thức ở nước ta không chỉ làm việc trong khu vực phi chính thức mà còn làm việc khá đông trong khu vực chính thức. Năm 2023, Việt Nam có hơn 5 triệu lao động phi chính thức trong khu vực chính thức, trong đó 61,7% nằm trong hộ sản xuất kinh doanh cá thể và 27,2% là trong các doanh nghiệp tư nhân. Thực trạng này là một rào cản lớn để tăng năng suất lao động.

Theo tôi, cần có những giải pháp đồng bộ, phù hợp để giảm thiểu lao động trong khu vực phi chính thức, hướng đến thị trường lao động hoạt động bền vững và ổn định.

Từ phía Chính phủ, cần tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, cải thiện môi trường kinh doanh, có chính sách ưu tiên doanh nghiệp khởi nghiệp, thành lập mới và hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động. Đồng thời tăng cường giám sát việc thực hiện quy định ở các doanh nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh chính thức có thuê lao động; có giải pháp xử lý mạnh hơn với những hành vi cố tình trốn tránh nghĩa vụ đối với người lao động của người chủ sử dụng lao động.

Tại những địa phương có tỷ lệ lao động phi chính thức cao, cần tập trung phát triển kinh tế địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Về phía doanh nghiệp, cần mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, từ đó tạo thêm nhiều việc làm trong doanh nghiệp. Cần tiếp tục tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng thiết thực, hiệu quả, không dàn trải. Khuyến khích người lao động tự nâng cao trình độ của mình để đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của công việc, từ đó góp phần tăng năng suất lao động và cũng là cách để giữ chân người lao động.

Về phía người lao động, cần nhận thức cụ thể về lợi ích của làm việc chính thức, nhất là làm việc trong khu vực chính thức như doanh nghiệp để có thể an tâm hơn khi làm việc và được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, cần chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng để có thể duy trì việc làm bền vững, sẵn sàng thích ứng được với yêu cầu của môi trường làm việc khác nhau. Từ đó sẽ hạn chế tham gia vào thị trường lao động phi chính thức.