Cần khuyến khích giảm chi thường xuyên để tái đầu tư phát triển

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Chiều ngày 9/1, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Cần khuyến khích giảm chi thường xuyên để tái đầu tư phát triển

Về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, Nghị quyết quyết nghị: Điều chỉnh giảm dự toán vốn vay lại năm 2022 của 7 địa phương, với tổng mức giảm là 1.547,8 tỷ đồng; Điều chỉnh tăng dự toán vốn vay lại (từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ) năm 2022 của 7 địa phương với tổng mức tăng là 226 tỷ đồng.

Về bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2021 nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, Quốc hội quyết nghị bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) số tiền 14.713,362 tỷ đồng.

Tại Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phối hợp với Kiểm toán Nhà nước rà soát số liệu để thực hiện quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 nguồn viện trợ không hoàn lại (nguồn chi thường xuyên).

Về điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, Nghị quyết quyết nghị giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Bộ Tài chính số tiền 2.268,3 tỷ đồng, trong đó, của Tổng cục Thuế là 1.134,8 tỷ đồng, của Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng; tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 của Bộ Tài chính, trong đó, của Tổng cục Thuế là 1.134,8 tỷ đồng, của Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng.

Về chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022, Nghị quyết quyết nghị chuyển 5.016,674 tỷ đồng nguồn ngân sách địa phương đã bố trí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 còn dư của 24 địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định, không sử dụng cho mục đích khác; hủy dự toán số chuyển nguồn không sử dụng hết trong niên độ ngân sách nhà nước năm 2022 theo quy định.

Nghị quyết yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện nghị quyết này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc giảm chi thường xuyên từ việc thay đổi biên chế, tổ chức bộ máy làm dư vốn để chuyển sang chi đầu tư là một định hướng tốt, cần được khuyến khích.

Trước đó, trong các phiên thảo luận tại Tổ và Hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét về kỷ luật ngân sách, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các địa phương vay dư vốn phải trả lại hay vay thiếu vốn, trong đó cần phân tích nguyên nhân lập dự toán không chuẩn, để có thể rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp khả thi, hữu hiệu cho tình trạng đầu tư cho vay, vay lại, trả lại vốn của các địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Giải trình về ý kiến của các đại biểu Quốc hội trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, về vấn đề bổ sung vốn viện trợ nước ngoài chưa có trong dự toán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực tế đây là những khoản viện trợ không có dự toán trước, tùy theo tình hình và qua làm việc với các địa phương, các tổ chức nước ngoài mới quyết định tài trợ, thường là bất thường và nhỏ lẻ. Điều này dẫn đến việc bị động trong lập dự toán, thường phải căn cứ trên báo cáo sau đó của các bộ, ngành để tập hợp. Năm 2021, 2022 vừa qua có tính đặc thù, nguồn viện trợ chủ yếu là hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. "Khi đó, tình hình hết sức cấp bách, đòi hỏi phải có phản ứng nhanh chóng, kịp thời, nên có lúc đã phải thực hiện từ trước, để sau đó hoàn thiện thủ tục sau, đáp ứng yêu cầu thực tế. Về việc điều chỉnh dự toán, nếu đưa sang năm 2023 thì sẽ ảnh hưởng bội chi. Việc đề xuất chậm là do Bộ phải tổng hợp dữ liệu từ các địa phương rồi mới có thể đề xuất điều chỉnh phù hợp trình Quốc hội xem xét, thông qua, vì có tỉnh không triển khai hết vốn phải trả lại, có tỉnh thiếu, cần thêm vốn", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Đối với đề xuất điều chỉnh dự toán của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Quốc hội nhiệm kỳ trước đã cho phép nhiều đơn vị được hưởng chế độ đặc thù từ việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27, không có sự thiên vị với một đơn vị nào. Tiết kiệm được chi thường xuyên để đưa vào đầu tư phát triển là một việc làm có hiệu quả, giống như “thắt lưng buộc bụng” có tích lũy để đầu tư vào vấn đề sửa nhà, sửa cửa, sửa đường, trang thiết bị, đổi mới công nghệ.

Tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý ngân sách nhà nước, nhất là các lĩnh vực thuộc về quản lý đối với các cơ chế đặc thù, quản lý các nguồn vốn vay và viện trợ để đảm bảo các quy định về quản lý ngân sách, chuyển nguồn.

“Qua theo dõi cho thấy, ngành tài chính đã có nhiều cố gắng giảm chi thường xuyên từ việc thay đổi biên chế, tổ chức bộ máy nên mới có điều kiện dư vốn để chuyển sang chi đầu tư. Đây là một hướng tương đối tốt, cần được khuyến khích”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá.