Chi viện trong mùa dịch, cần lắm những tấm lòng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong những ngày gần đây, hình ảnh các đồng chí cảnh sát giao thông ở Bắc Giang đứng nghiêm trang đưa tay chào các đoàn xe từ Bộ Y tế và các tỉnh bạn đến trợ giúp công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương lan truyền trên mạng gây xúc động dư luận. Những cử chỉ trân trọng ấy cho thấy, sự giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau vào lúc “nước sôi lửa bỏng” này thật quý giá. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Trong những ngày giữa tháng 5/2021 của đợt dịch lần thứ 4 này, cả nước đang hướng Bắc Ninh, Bắc Giang - những “điểm nóng” về sự bùng phát dịch Covid19. Đây là hai địa phương vốn có nhiều khu công nghiệp (KCN) với lực lượng công nhân đông đảo. Con số ca dương tính với Covid-19 tại hai tỉnh này tăng hàng ngày, có ngày lên tới 3 con số.

Tại Bắc Giang, từ ngày 9 - 14/5/2021, Tỉnh phát hiện 2 ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (liên quan đến Bệnh viện K Hà Nội) và tại Công ty SJ Tech - KCN Vân Trung (liên quan đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2)… Ngày 14/5/2021 lại phát hiện thêm ổ dịch tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam trong KCN Quang Châu (huyện Việt Yên)…

Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Nguyễn Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Tỉnh chưa có kinh nghiệm phòng chống dịch trong KCN cũng như kinh nghiệm điều trị, năng lực xét nghiệm hạn chế (chỉ đạt 10.000 mẫu/ngày đêm), lực lượng lấy mẫu và lực lượng y tế mỏng… Số giường bệnh tại các cơ sở y tế còn ít. Gánh nặng tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 là rất lớn… Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 385 doanh nghiệp tại 6 KCN. Hiện Tỉnh có 60 khu cách ly tập trung. Về năng lực điều trị, Bắc Giang hiện có 86 máy thở với 112 bác sĩ và 76 kỹ thuật viên.

“Do huy động tất cả lực lượng vào cuộc, nên Tỉnh thiếu nhiều bộ phận chuyên môn phòng chống dịch, hậu cần, tổng hợp báo cáo khối lượng công việc tăng đột biến…”, ông Dương cho biết.

Từ 0h ngày 18/5/2021, Tỉnh quyết định dừng hoạt động tại 4 KCN trên địa bàn (Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung và Song Khê - Nội Hoàng tại huyện Việt Yên); thực hiện cách ly xã hội huyện Việt Yên và 3 xã (Nội Hoàng, Tiền Phong, Yên Lư) của huyện Yên Dũng; giãn cách xã hội tại huyện Lạng Giang và Lục Nam…

Trước tình hình cấp bách đó, Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã kêu gọi sự hỗ trợ về các bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh để sàng lọc trong KCN, lực lượng lấy mẫu, công tác truy vết, theo dấu hoạt động di chuyển của các F0… Cùng với việc lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ công nhân ở 4 KCN có nguy cơ cao, Tỉnh sẽ phải tiến hành xét nghiệm sàng lọc diện rộng tại các khu vực tập trung nhiều nhà trọ công nhân…

Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, chiều 16/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo nhận định, các KCN tập trung là nơi nhạy cảm, đông người, ảnh hưởng trực tiếp đến sức sản xuất của cả đất nước. Vì vậy, phải kiểm soát bằng được các ổ dịch trong KCN ở Bắc Ninh, Bắc Giang, không được để lan ra các KCN khác trong hai tỉnh này, kể cả toàn quốc.

Về phía Bộ Y tế, cơ quan này ngay lập tức đã thành lập đoàn thường trực hỗ trợ Bắc Giang về dịch tễ để cùng các chuyên gia về truy vết giúp Tỉnh phát hiện sớm, truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Một số khó khăn đang được đoàn công tác này tìm cách giải quyết như test nhanh kháng nguyên, xét nghiệm Realtime RT-PCR; lực lượng lấy mẫu… Bộ Y tế đã điều động sinh viên của các trường đại học như Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế công cộng, các bệnh viện và CDC các tỉnh… Tất cả đã sẵn sàng lên đường khi cần thiết. Bộ Y tế cũng đang chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai và một số đơn vị thiết lập bệnh viện dã chiến với công suất 700 - 800 giường.

Với tinh thần tương thân tương ái và hưởng ứng lời kêu gọi chung tay góp sức để tăng năng lực xét nghiệm cho Bắc Giang, liên tục trong những ngày qua, tỉnh Bắc Giang đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều địa phương như: Hải Dương (200 y bác sĩ của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí), Quảng Ninh (200 y bác sĩ), Hà Nội (cán bộ CDC tầm soát dịch bệnh trong KCN và xét nghiệp khoảng 10.000 mẫu còn tồn), quân đội (xe xét nghiệm lưu động)… Và mới đây nhất là Yên Bái, Thái Nguyên… Bên cạnh sự chi viện về người - cán bộ, nhân viên y tế, Bắc Giang còn nhận được sự hỗ trợ về vật chất - vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm… phục vụ phòng chống dịch.

Nhờ có sự chi viện kịp thời từ bên ngoài và dốc toàn lực làm việc không kể ngày đêm, ông Dương cho biết, tính đến ngày 16/5, Bắc Giang đã “thần tốc” hoàn thành việc lấy mẫu ở KCN Quang Châu. Có thời điểm, chỉ trong 1 đêm (đêm ngày 15/5/2021), đoàn 200 nhân viên y tế tình nguyện của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã lấy được mẫu cho 3.000 người. Toàn bộ số mẫu trên đã được chuyển về Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để làm công tác xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR nhằm phát hiện virus SARS-CoV-2.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Song song và kế bên với Bắc Giang là Bắc Ninh. Đây cũng là một trong những địa phương tập trung nhiều KCN và đang dồn tổng lực để truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

Theo thông tin cập nhật của bà Tô Mai Hoa - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, hiện Bắc Ninh có 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động với 332.000 công nhân, trong đó số lượng công nhân tỉnh ngoài là hơn 70%, công nhân đến từ Bắc Giang chiếm khoảng 10% - tức là khoảng gần 30 nghìn người.

Tính từ ngày 27/4/2021 (thời điểm bắt đầu bùng phát đợt dịch thứ 4) đến 6h ngày 18/5/2021, Bộ Y tế ghi nhận 290 ca nhiễm trên tổng số 1.340 ca nhiễm cộng đồng của cả nước, trong đó, Bắc Ninh có 290 ca. Những “điểm nóng” như huyện Thuận Thành, TP. Bắc Ninh đã lần lượt áp dụng cách ly xã hội, các huyện như Lương Tài, Tiên Du, Quế Võ, thị xã Từ Sơn lần lượt thực hiện giãn cách xã hội để chính quyền địa phương tập trung rà soát, xét nghiệm, khoanh vùng các trường hợp nguy cơ cao đến từ vùng dịch.

Với sự chi viện của một số địa phương, trường đại học, doanh nghiệp…, đến nay, năng lực xét nghiệm của Bắc Ninh đã tăng lên đáng kể, đạt từ 30.000 - 50.000 mẫu gộp một ngày.

Tình hình dịch bệnh mặc dù vẫn cơ bản đang được kiểm soát nhưng theo nhận định của Thủ tướng Chính phủ, đợt dịch lần này có độ nguy hiểm co hơn so với 3 đợt dịch trước, với nhiều ổ dịch, chủng vi rút có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, trên phạm vi rộng và kiểm soát khó khăn hơn. Cho nên, rất cần sự chung tay, đồng lòng của cả nước.

Thấu cảm hết sự hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần, tiếp sức về nhân lực kịp thời của các địa phương bạn, của các tổ chức, doanh nghiệp… có lẽ phải kể đến Lãnh đạo và nhân dân TP. Đà Nẵng. Sau khi trở lại cuộc sống bình thường từ đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 bùng phát kéo dài hơn 2 tháng xảy ra năm ngoái, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng viết trong Thư cảm ơn ngày 26/9/2020: “Các đoàn y, bác sĩ của các tỉnh, thành địa phương bạn, bằng cả tâm huyết, kinh nghiệm và trí tuệ của mình đã không ngại gian khổ, nguy hiểm, hy sinh cuộc sống cá nhân, gia đình và người thân để tiên phong ở lại trong tâm dịch và tuyến đầu phòng, chống dịch; đã nỗ lực không mệt mỏi nhiều ngày liền với lời hứa “khi chưa hết dịch thì chưa về nhà”…

Với sự huy động tổng lực đó, Đà Nẵng đã thần tốc truy vết, khoanh vùng, dập dịch với hơn 60 “điểm nóng” có dịch; thiết lập 61 cơ sở cách ly y tế để tổ chức cách ly tập trung cho gần 12 ngàn người có tiếp xúc gần với những người bị nhiễm bệnh; tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hơn 320 nghìn người dân, chiếm 1/3 dân số toàn thành phố; thiết lập thêm hai bệnh viện dã chiến và đã kịp thời điều trị dịch bệnh.

“Những lúc có nguy cơ, lúc xảy ra hoạn nạn thì tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhường cơm sẻ áo, chia ngọt sẻ bùi của người dân, của các tỉnh, thành địa phương bạn lại sâu sắc hơn bao giờ hết”, Lãnh đạo TP. Đà Nẵng cảm nhận.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục