Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Chính phủ đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong chỉ đạo điều hành suốt 6 tháng qua. Ảnh: Hiếu Nguyễn |
Những kết quả quan trọng
Tại Phiên họp, báo cáo về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế nửa đầu năm duy trì được đà tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát.
Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 6 tháng các năm 2011 - 2017.
“Nếu không có yếu tố bất thường tác động đến tăng trưởng, dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt được mục tiêu đã đề ra (6,8%)”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Nhìn lại 6 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Chính phủ đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong chỉ đạo điều hành suốt 6 tháng qua. Chúng ta đã và đang làm được rất nhiều việc: xây dựng kịch bản tăng trưởng, phương án điều hành hàng tháng, hàng quý; tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc về hội nhập quốc tế, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, chế biến nông sản, phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, phát triển du lịch, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử…”.
Thủ tướng cho rằng, chúng ta có thể vui mừng đánh giá, kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt kết quả quan trọng, toàn diện. “Chúng ta quán triệt quan điểm thúc đẩy tăng trưởng nhưng vẫn bảo đảm ổn định vĩ mô. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tăng trưởng
Dù tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm rất tích cực, nhưng người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho rằng vẫn chưa đạt mục tiêu kịch bản cao đã đề ra, chưa thể hiện sự bứt phá trong tăng trưởng chung cũng như trong từng ngành, lĩnh vực.
Mặt khác, các động lực hỗ trợ tăng trưởng chưa thực sự rõ nét, nền kinh tế còn gặp khó khăn, thách thức trong 6 tháng cuối năm, nhất là cầu thế giới giảm tác động không nhỏ đến xuất khẩu và sản xuất, kinh doanh trong nước.
Trong bối cảnh thương mại thế giới diễn biến khó lường, để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra trong 6 tháng cuối năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặc biệt lưu ý đến việc tập trung phát huy các dư địa của động lực hỗ trợ tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm.
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp tháo gỡ.
Đáng chú ý là những bất cập về tình trạng chồng chéo trong thanh, kiểm tra. Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian qua, việc thanh, kiểm tra, kiểm toán nhiều, trùng lặp đã khiến các địa phương mất nhiều sức để phục vụ các đoàn.
“Riêng năm 2018, tỉnh Hậu Giang phải tiếp 11 đoàn. Đây là số lượng quá nhiều. Đề nghị các bộ, ngành trung ương khi xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra phải cân nhắc, có sự liên thông, tránh trùng lắp”, ông Châu nêu rõ.
Đáp lại ý kiến này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa nhận, ý kiến của tỉnh Hậu Giang là đúng tình hình thực tế. “Việc chồng chéo xuất phát từ tình trạng đang có nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Việc thanh, kiểm tra thực hiện theo luật nhưng đối tượng có thể trùng”, ông Khái nói.
Về giải pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị, cần phải tính toán tổng thể và sắp tới, cơ quan này sẽ tổng kết, tham mưu cho Thủ tướng về hoạt động thanh tra để làm sao tăng hiệu quả, giảm chồng chéo.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng đề nghị các “tư lệnh ngành” với trách nhiệm cao nhất, tiếp thu, lắng nghe và xử lý nhanh những vấn đề tồn tại kéo dài, không để tình trạng “lắng nghe mà không trả lời”.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ hoàn thành Dự thảo Nghị quyết về những giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm, giao nhiệm vụ cụ thể và làm cơ sở để các địa phương, bộ, ngành thực hiện.
Thủ tướng lưu ý, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm rất nặng nề, cần theo dõi để có giải pháp kịp thời, tránh cú sốc từ bên ngoài. Theo đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, cần tận dụng lợi thế từ 13 hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) để thúc đẩy xuất khẩu.
Về việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu các bên tập trung vào các giải pháp chính. “Vấn đề là công tác chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương cần lập tổ công tác giải quyết vấn đề này. Điều chuyển vốn từ những ngành, địa phương làm chậm cho các ngành, địa phương khác”, Thủ tướng nhấn mạnh.