Cơ hội để “hòn ngọc Viễn Đông” tiếp tục tỏa sáng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Suốt chiều dài lịch sử, vị thế của Sài Gòn xưa được khẳng định với mỹ danh “Hòn ngọc Viễn Đông”, thủ phủ của Đông Dương về kinh tế, giải trí. Hiện tại, một TP.HCM tráng lệ, hiện đại, tươi mới ngập tràn nắm ấm, hoa vàng, đang được vun bồi khát vọng trở thành “Siêu thành phố cạnh tranh, văn minh, hiện đại, sáng tạo, bản sắc, thích ứng với biến đổi khí hậu, điểm đến hấp dẫn toàn cầu”.
Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã mở ra cơ hội để TP.HCM tái cấu trúc nguồn lực, kiến tạo đột phá mới, nâng cấp sự phát triển trong tương lai. Ảnh: Lê Tiên
Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã mở ra cơ hội để TP.HCM tái cấu trúc nguồn lực, kiến tạo đột phá mới, nâng cấp sự phát triển trong tương lai. Ảnh: Lê Tiên

Kiến tạo đột phá mới

Năm mới 2024, với Nghị quyết số 98/2023/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (NQ 98), TP.HCM đặt quyết tâm khơi thông tối đa sức mạnh nội lực nhằm tạo đột phá, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững xứng tầm với vai trò đầu tàu, cực tăng trưởng lớn của cả nước.

Năm 2023, vượt qua nhiều thách thức, TP.HCM chặn được đà suy giảm trong các lĩnh vực kinh tế và vươn lên, đạt mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 1.621.191 tỷ đồng, tăng 5,81% so với năm 2022. Đáng chú ý, "đầu tàu" TP.HCM xác lập lại vị thế hàng đầu trong thu hút FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 5,85 tỷ USD.

Các vấn đề bất cập, những điểm nghẽn kéo dài được TP.HCM tập trung tháo gỡ, đã chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… Nhiều dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia có sức lan tỏa được khởi động rầm rộ như Dự án Vành đai 3 - TP.HCM, Nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nút giao An Phú, Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên…

Trong nhiều năm kể từ sau Đổi mới, TP.HCM có sự phát triển ngoạn mục với GRDP thường xuyên đạt mức tăng 2 con số, khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Sau giai đoạn đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, TP.HCM bước vào thời kỳ phát triển kinh tế theo chiều sâu (2011 - 2020) với mức tăng trưởng GRDP khiêm tốn hơn, bình quân 6,86%/năm. Sự phát triển ngoạn mục trong thời gian dài mang lại cho TP.HCM nhiều trái ngọt, quy mô kinh tế gia tăng, hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển, thiết chế xã hội cải thiện rõ nét, đời sống cư dân được nâng cao. Trong 3 năm gần đây, ảnh hưởng đại dịch Covid-19, sự suy giảm của kinh tế thế giới và những biến động địa chính trị khiến kinh tế TP.HCM trồi sụt, bộc lộ một số hạn chế, điểm nghẽn.

Theo giới chuyên gia, sau thời kỳ dài phát triển với tốc độ cao, TP.HCM phải đối mặt với nhiều nhóm vấn đề cần tháo gỡ như: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Trong bối cảnh trên, NQ 98 là “chìa khóa” để TP.HCM mở ra cơ hội tái cấu trúc nguồn lực, kiến tạo đột phá mới, nâng cấp sự phát triển trong tương lai. Như cách ví von của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên: “Nay mọi phần việc đã sẵn sàng, con tàu đã chất đầy hàng và sẵn sàng tăng tốc. Chúng ta ở trên con tàu cũ, những nhân viên cũ nhưng tâm thế, khí thế mới. Con tàu cũng được thay hộp số mới, động cơ mới, đường ray thông thoáng hơn trước". Mới đây, người đứng đầu UBND TP.HCM nhấn mạnh, việc triển khai NQ 98 là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024, đòi hỏi những giải pháp và bước đi phù hợp, tạo ra sản phẩm tích cực, tạo niềm tin, động lực và hiệu ứng mạnh mẽ tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế.

Biến cơ chế thành động lực

Hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo triển khai NQ 98 đánh giá, từ khi có hiệu lực, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo, cùng với sự vào cuộc khẩn trương, toàn diện và phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương của TP.HCM, việc triển khai NQ 98 đã đạt nhiều kết quả rất tích cực. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đến nay, chuyển biến rõ nhất sau khi NQ 98 đi vào thực tiễn là lĩnh vực hạ tầng, với sự chuyển động của nhiều dự án quan trọng như: Vành đai 3, Vành đai 4, tuyến Metro số 1, Metro 2, Đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị, Đề án Nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ…

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2024, TP.HCM cần nghiên cứu, tập trung triển khai các chính sách có tính đột phá, vượt trội, huy động nguồn lực để tạo đà phát triển mạnh mẽ. Đơn cử nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho phép TP.HCM vay một khoản đủ lớn (khoảng trên dưới 20 tỷ USD) nhằm hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, mở rộng không gian sang các địa phương lận cận, thay đổi một cách cơ bản về hạ tầng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mạnh mẽ… Đối với chính sách thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), các tuyến metro đã có quy hoạch và khởi công xây dựng một số đoạn tuyến, Vành đai 3 đã khởi công xây dựng. Để áp dụng hiệu quả chính sách thí điểm mô hình TOD, TP.HCM cần khẩn trương rà soát quy hoạch đô thị, quỹ đất, điều chỉnh quy hoạch dọc hai bên tuyến và vùng phụ cận xung quanh nhà ga và tuyến Metro số 1, số 2, tuyến Vành đai 3, Vành đai 4.

Để sớm thu hút nhà đầu tư chiến lược, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần rà soát, bổ sung chức năng khu bến cảng Cần Giờ trong quy hoạch để có căn cứ trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. TP.HCM cũng cần tận dụng cơ chế, chính sách theo NQ 98 để thu hút nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch... Thành phố cần khẩn trương lựa chọn, ban hành danh mục dự án đầu tư theo phương thức PPP trong các lĩnh vực đã được cho phép để huy động tối đa nguồn lực xã hội vào phát triển hạ tầng.

Năm 2024, TP.HCM lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao với mục tiêu GRDP tăng từ 7,5 đến 8%. Tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, TP.HCM cần nắm bắt, tận dụng cơ hội để phát triển, trong đó NQ 98 đang đi vào cuộc sống. Nhiều quyết sách, chính sách, giải pháp hợp lý được người dân và doanh nghiệp hưởng ứng, các nhà đầu tư đặt niềm tin.

Niềm tin vào thắng lợi năm 2024 không chỉ tạo tiền đề vững chắc để hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025, mà với những kiến tạo mới, cơ chế mới, động lực mới, “Hòn ngọc Viễn Đông” sẽ tiếp tục tỏa sáng, tương xứng với kỳ vọng của cả nước và tiếp tục ghi dấu ấn chói lọi trong dòng chảy lịch sử Sài Gòn - TP.HCM kiên cường.

Tin cùng chuyên mục