Gỡ rào cản hạn mức mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những nguyên nhân làm kéo dài thời gian mua sắm dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế (TBYT) được nhiều ý kiến chỉ ra là do rào cản phân cấp thẩm quyền, do phải trình duyệt qua nhiều tầng nấc. Để tháo gỡ rào cản này, nhiều địa phương đã có những động thái mới theo hướng tăng giá trị hạn mức phân cấp về thẩm quyền quyết định mua sắm.
Để tháo gỡ rào cản phân cấp thẩm quyền, nhiều địa phương đã có những động thái mới theo hướng tăng giá trị hạn mức phân cấp về thẩm quyền quyết định mua sắm. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Để tháo gỡ rào cản phân cấp thẩm quyền, nhiều địa phương đã có những động thái mới theo hướng tăng giá trị hạn mức phân cấp về thẩm quyền quyết định mua sắm. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Mua sắm khó khăn vì hạn mức giá trị mua sắm

Việc mua sắm hàng hoá trong lĩnh vực y tế (thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, sinh phẩm, TBYT) chịu sự điều chỉnh của nhiều đạo luật có liên quan.

Theo quy định của pháp luật về đấu thầu, người có thẩm quyền có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư, cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý phê duyệt KHLCNT; đình chỉ cuộc thầu; huỷ thầu; giải quyết kiến nghị; tổ chức kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu, thực hiện hợp đồng…

Nhưng thẩm quyền quyết định mua sắm lại chịu sự điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, tùy từng địa phương, HĐND cấp tỉnh sẽ có quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm khác nhau.

Tại một cuộc họp với Bộ Y tế, nhiều lãnh đạo bệnh viện phản ánh, dù là trường hợp khẩn cấp, nhưng bệnh viện cũng chỉ được mua sắm trong hạn mức dưới 100 triệu đồng. Trong khi đó, giá của một bộ khớp giả lên tới 140 triệu đồng. Nếu muốn mua sắm hàng hóa có giá trị trên 100 triệu đồng thì phải trình qua Sở Y tế, qua Sở Tài chính và lên UBND tỉnh phê duyệt.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, mức giá trị trong phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ (trừ trường hợp tài sản công phải lập thành dự án đầu tư) của cơ quan, tổ chức, đơn vị được quy định từ hơn 5 năm trước (Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND) nên hạn mức rất thấp, không còn phù hợp với thực tế. Điều này dẫn đến làm tăng khối lượng xử lý công việc của cơ quan cấp trên, một số trường hợp việc tổ chức thực hiện không đảm bảo kịp thời do phải trình qua nhiều cấp để xem xét, phê duyệt dẫn tới mất tính chủ động của đơn vị trong tổ chức mua sắm… Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Tỉnh mua sắm với giá trị khoảng 64 tỷ đồng, nếu theo Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND, thì cứ gói thầu mua sắm hàng hóa nào trên 100 triệu đồng đều phải được Giám đốc Sở Y tế phê duyệt.

Tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 7/2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đến nay, thể chế trong khâu đấu thầu và mua sắm thuốc, vật tư y tế đã đáp ứng đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch, không có lợi ích nhóm.

“Chúng tôi rất mong các địa phương rà soát lại các quy định của mình, đảm bảo vừa quản lý được, nhưng vẫn trao quyền cho các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện, tránh thủ tục phiền hà”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị tại nghị trường Quốc hội.

Chuyển động tăng hạn mức phân cấp tại địa phương

Trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Ninh Thuận cuối năm 2023, HĐND Tỉnh đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND theo hướng tăng giá trị hạn mức phân cấp đối với các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh quyết định mua sắm tài sản công. Trong đó, để tăng tính chủ động cho Bệnh viện Tỉnh trong mua sắm phục vụ công tác khám chữa bệnh, hàng hoá là TBYT, vật tư y tế, hoá chất, sinh phẩm có giá trị từ 2 tỷ đồng trở lên mới thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND Tỉnh; dưới 2 tỷ đồng là do Giám đốc Sở Y tế quyết định; còn dưới 500 triệu đồng là do Giám đốc Bệnh viện Tỉnh quyết định.

Tương tự, HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua Nghị quyết số 18/2023/NQ-HĐND, trong đó có quy định về thẩm quyền quyết định mua sắm máy móc, thiết bị chuyên dùng và hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên thuộc lĩnh vực y tế. Cụ thể, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tỉnh và các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư tự quyết gói thầu dưới 5 tỷ đồng...

Ở cấp huyện, riêng TP. Dĩ An và Thuận An, gói thầu dưới 3 tỷ đồng do giám đốc trung tâm y tế quyết định mua sắm. Với các huyện, thị xã, thành phố còn lại, gói thầu dưới 2 tỷ đồng do giám đốc trung tâm y tế quyết định mua sắm.

Gần đây, chuyển động theo hướng tăng giá trị hạn mức phân cấp cũng diễn ra ở nhiều địa phương khác như Hậu Giang (Nghị quyết số 13/2024/NQ-HĐND ngày 24/7/2024), TP. Hà Nội (Nghị quyết số 09/2024/NQ-HĐND ngày 15/5/2024)… Đặc biệt, tại Hà Nội, HĐND Thành phố đã phân cấp hoàn toàn thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công (trừ tài sản là nhà, đất thuộc trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp và tài sản khác gắn liền với đất, xe ô tô tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Thành phố) cho thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Nhờ được phân cấp mạnh, thủ trưởng đơn vị được tự phê duyệt, tự chịu trách nhiệm, nên theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu, Bệnh viện hiện không thiếu dụng cụ, thuốc men. “Trao quyền nhiều hơn cho các giám đốc bệnh viện công trong đấu thầu chính là chìa khoá để các bệnh viện chủ động hơn trong việc mua sắm”, ông Hiếu nhận định.

Tin cùng chuyên mục