Gói kích thích kinh tế lần 2: Tránh cào bằng, tản mạn trong hỗ trợ doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn tác động nặng nề đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2021 và dài hạn hơn, vẫn cần thực hiện gói kích thích lần 2. Tuy nhiên, cần có những thay đổi để các chính sách hỗ trợ thực sự phát huy hiệu quả giúp doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi và tăng tốc, tận dụng được các cơ hội để bứt phá.
Nhiêu chuyên gia đề xuất nên ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp có triển vọng và khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp lẽ ra sẽ phát triển nhanh nếu không có Covid-19
Nhiêu chuyên gia đề xuất nên ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp có triển vọng và khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp lẽ ra sẽ phát triển nhanh nếu không có Covid-19

Nên thực hiện gói kích thích lần 2

Theo ông Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), để ứng phó tác động của dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp tài khóa, tiền tệ. Các gói hỗ trợ được xem là phù hợp với diễn biến thực tế, phù hợp với năng lực tài khóa và khả năng duy trì ổn định vĩ mô. Dù vậy, quy mô và hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ còn khá hạn chế. Các chính sách tiền tệ giúp mặt bằng lãi suất giảm mạnh nhưng chưa đủ kích thích doanh nghiệp gia tăng vay vốn duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các biện pháp tài khóa quy mô nhỏ có hiệu quả chưa rõ ràng, khó khăn trong giải ngân và thực hiện.

Để phục hồi, tăng tốc trong năm 2021, tạo nền tảng cho giai đoạn 2021 - 2025, NCIF khuyến nghị, trong ngắn hạn vẫn cần tiếp tục các biện pháp hỗ trợ kinh tế và an sinh xã hội. Trong đó, lưu ý tác động của khủng hoảng Covid-19 đến nền kinh tế có nhiều điểm khác so với các cuộc khủng hoảng trước đây, do vậy các gói hỗ trợ và việc thực thi cần tính đến đặc điểm này. Đối với các doanh nghiệp, nên tập trung ưu tiên hỗ trợ, giải cứu các doanh nghiệp có triển vọng và khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp lẽ ra sẽ phát triển nhanh nếu không có Covid-19.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng nên có gói kích thích thứ hai. Theo ông Hiếu, gói kích thích lần 1 Chính phủ phải xây dựng, thực hiện trong thời gian rất ngắn, chưa có tiền lệ và nhiều thách thức nên có những điểm thành công và chưa thành công. Nên nhìn những điểm chưa thành công với góc độ là bài học kinh nghiệm để thực hiện gói thứ 2 thì sẽ có ý nghĩa hơn là phê phán.

Thay đổi tiêu chí, cách thức thực hiện

Ông Phan Đức Hiếu nêu quan điểm gói chính sách mới phải phục vụ cả 2 mục tiêu: phục hồi và kích thích tăng trưởng. Đối với cấu phần “phục hồi”, theo ông Hiếu, Chính phủ cần chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp trong dịch. Bài học từ gói thứ nhất là cần tránh những chính sách gây ra tác động ngược. “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về lao động, về doanh thu mong muốn là tốt nhưng ta lại đưa ra tiêu chí phải mất chừng nào lao động, chừng này doanh thu thì lại tạo ra động lực ngược. Trong khi Chính phủ rất muốn doanh nghiệp giữ lại lao động, ổn định doanh thu, thì doanh nghiệp lại phải làm thêm động tác là sa thải bớt lao động, khiến doanh nghiệp giảm doanh thu để có mức thiệt hại xuống mức đủ để được hỗ trợ”, ông Phan Đức Hiếu lấy ví dụ. Vì thế, gói kích thích lần 2 phải chính xác hơn về đối tượng và dựa theo kết quả đầu ra, nếu không sẽ có trường hợp doanh nghiệp yếu kém dù không có Covid-19 cũng sẽ bị đào thải khỏi thị trường, nay có gói hỗ trợ đồng đều thì lại kéo dài lay lắt, như cách gọi của nhiều chuyên gia là “zombie doanh nghiệp”.

Đối với cấu phần kích thích tăng trưởng, ông Hiếu nhấn mạnh 2 cụm từ khóa cần hướng đến là “năng suất, hiệu quả” và “1 khu vực doanh nghiệp năng động”, thực sự nhanh nhạy trong việc cơ cấu lại doanh nghiệp. Không thúc đẩy đầu tư công đại trà mà hướng đến dự án đem lại lợi ích toàn dân ngay cả khi không còn dịch, tập trung vào y tế, giáo dục, hạ tầng giao thông, ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, có tác động lớn. Ngoài đầu tư công, cần lưu ý đến đầu tư của Nhà nước tại các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả các khoản đầu tư này cũng sẽ tạo ra động lực mới.

Trụ cột quan trọng khác để kích thích tăng trưởng là thể chế. Thể chế phải tạo ra sự năng động cho doanh nghiệp và thực sự cạnh tranh, doanh nghiệp hiệu quả thì tồn tại, không hiệu quả thì bị đào thải. “Hoạt động góp vốn, mua bán, sáp nhập dự án… tại sao phải cần sự phê duyệt, mất nhiều thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp không năng động”, ông Hiếu lấy ví dụ và nhấn mạnh Nhà nước nên giảm thiểu sự can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt, theo ông Hiếu, cải cách thể chế của Việt Nam chưa bền vững, vì mới dựa vào cơ chế tự thân, rất cần có cơ quan chuyên trách có đủ thẩm quyền giám sát, thúc đẩy việc cải cách thể chế được thực thi nhanh, hiệu quả.

Từ góc độ kinh nghiệm quốc tế, ông Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế của UNDP nêu bài học sự hỗ trợ, thúc đẩy một cách tản mạn vào mọi lĩnh vực và mọi doanh nghiệp sẽ khó thành công. Có thể dựa trên hai tiêu chí để định hướng chính sách kinh tế hậu Covid-19. Về xuất khẩu, hỗ trợ những doanh nghiệp trong nước đã có năng lực cạnh tranh quốc tế. Về năng suất, hỗ trợ doanh nghiệp có năng lực, tăng năng suất lao động, tạo việc làm, trả lương cao hơn và đang sẵn sàng đào tạo lao động. Các hỗ trợ nên gắn với kết quả, và nên xóa bỏ hỗ trợ khi mục tiêu không đạt được.

Tin cùng chuyên mục