Bên mời thầu: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai (TP. Hà Nội)
Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai (TP. Hà Nội)
Nội dung kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Tiêu chí HSMT:
Tại khoản 4 Mục 2 Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm thuộc Chương III, HSMT có yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự như sau: “Từ ngày 01 tháng 01 năm 2020(10) đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn(11) tối thiểu 02 công trình có: loại kết cấu: là công trình giao thông có kết cấu mặt đường BTN, hệ thống thoát nước, kè và hạng mục chiếu sáng...”.
Tại Bảng 2 Yêu cầu về nhân sự chủ chốt thuộc Chương III, HSMT yêu cầu:
Chỉ huy trưởng công trình: Tối thiểu 5 năm kinh nghiệm hoặc tối thiểu 1 hợp đồng, là kỹ sư chuyên ngành xây dựng cầu đường/kỹ thuật xây dựng công trình giao thông; có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công công trình giao thông hạng III trở lên còn hiệu lực hoặc đã là cán bộ trực tiếp thi công xây dựng ít nhất 01 công trình giao thông cấp III trở lên (02 công trình giao thông cấp IV được xét là 01 công trình cấp III cùng loại).
Cán bộ phụ trách hạng mục đường giao thông: là kỹ sư chuyên ngành xây dựng cầu đường/đường bộ/kỹ thuật xây dựng công trình giao thông.
Cán bộ phụ trách hạng mục thoát nước: là kỹ sư chuyên ngành cấp thoát nước/hạ tầng kỹ thuật đô thị/kỹ thuật cơ sở hạ tầng.
Cán bộ kỹ thuật phụ trách hạng mục điện chiếu sáng: có trình độ đại học chuyên ngành điện/kỹ thuật điện/tự động hóa.
Cán bộ phụ trách trắc đạc: là kỹ sư chuyên ngành trắc địa/trắc địa bản đồ.
Cán bộ phụ trách an toàn lao động: là kỹ sư bảo hộ lao động hoặc kỹ sư chuyên ngành về xây dựng có giấy chứng nhận huấn luyện an toàn lao động - vệ sinh lao động còn hiệu lực.
Tại khoản 1 Mục III thuộc Chương V, HSMT yêu cầu: TCXDVN 333:2005, TCVN 9115:2012, TCVN 4314-2003, TCVN 4086-1985, TCVN 4244-1986, TCVN 3254-1989, TCVN 1651:2008, TCVN 8819:2011, TCVN 8859:2011…
Kiến nghị/đề nghị làm rõ của nhà thầu:
Liên quan đến yêu cầu về loại kết cấu, cấp công trình, theo Nhà thầu, hướng dẫn tại ghi chú (12) trong Mẫu số 3A ban hành kèm theo Thông tư số 06/2024/TTBKHĐT có nêu: “Ghi loại kết cấu, cấp công trình của công trình thuộc gói thầu. Loại kết cấu, cấp công trình được xác định theo Phụ lục II Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng”.
Theo Phụ lục II Thông tư số 06/2021/TT-BXD thì không có phân cấp loại kết cấu: mặt đường BTN, hệ thống thoát nước, kè và hạng mục chiếu sáng. Đồng thời, công trình kết cấu kè và hạng mục chiếu sáng xét theo Thông tư số 06/2021/TT-BXD thì không phải là công trình giao thông. Việc HSMT yêu cầu về hợp đồng tương tự phải có loại kết cấu: mặt đường BTN, hệ thống thoát nước, kè và hạng mục chiếu sáng là không phù hợp với quy định, hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, không đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng.
Liên quan đến yêu cầu chứng chỉ/trình độ chuyên môn của chỉ huy trưởng, theo Nhà thầu, Điều 66 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định: “Điều kiện chung để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng tương ứng với công trình hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 02 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 03 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp”. Như vậy, đối với công trình cấp III (hạng III) thì các cá nhân có trình độ từ trung cấp, cao đẳng có số năm kinh nghiệm là 03 năm vẫn đáp ứng được điều kiện để hành nghề. Nhà thầu cho rằng, công trình cấp III mà HSMT lại yêu cầu nhân sự chỉ huy trưởng phải là kỹ sư (được hiểu là phải trình độ đại học trở lên) là hạn chế các nhà thầu tham gia, không đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu.
Đối với các vị trí công việc: Cán bộ phụ trách hạng mục đường giao thông, cán bộ phụ trách hạng mục thoát nước, cán bộ kỹ thuật phụ trách hạng mục điện chiếu sáng, cán bộ phụ trách trắc đạc, Nhà thầu cho rằng, HSMT vi phạm khoản 3 Điều 44 của Luật Đấu thầu khi “đưa ra yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với các vị trí mà pháp luật về xây dựng không có yêu cầu về tiêu chuẩn đối với chức danh đó hoặc các vị trí kỹ thuật thông thường, công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông”. Nhà thầu hiểu rằng, ngoài chỉ huy trưởng là vị trí mà pháp luật xây dựng có yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh (Điều 74 Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng) bắt buộc phải quy định trong HSMT, tất cả các vị trí còn lại đều là cán bộ kỹ thuật thông thường, không phải là nhân sự chủ chốt, do đó không được yêu cầu trong HSMT. Theo Nhà thầu, việc yêu cầu chức danh của các vị trí công việc nêu trên là không phù hợp, hạn chế sự tham gia của nhà thầu.
Liên quan đến yêu cầu chứng chỉ/trình độ chuyên môn của cán bộ phụ trách an toàn lao động, Nhà thầu thấy rằng, khoản 3 Điều 36 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP quy định người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây: “a) Có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật; có ít nhất 01 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở; b) Có trình độ cao đẳng thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật; có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở; c) Có trình độ trung cấp thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật hoặc trực tiếp làm các công việc kỹ thuật; có 05 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở”. Như vậy, theo Nhà thầu, người làm công tác phụ trách an toàn vệ sinh lao động chỉ cần “có trình độ trung cấp thuộc các chuyên ngành khối kỹ thuật hoặc trực tiếp làm các công việc kỹ thuật; có 05 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của cơ sở” thì vẫn đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, HSMT lại yêu cầu: “là kỹ sư bảo hộ lao động hoặc kỹ sư chuyên ngành về xây dựng”. Nhà thầu cho rằng, HSMT yêu cầu cao hơn mức tối thiểu theo quy định, có dấu hiệu hạn chế các nhà thầu tham gia, không đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong đấu thầu.
Tại khoản 1 Mục III thuộc Chương V, HSMT yêu cầu một số quy trình, quy phạm chủ yếu tại Chương V đã hết hiệu lực áp dụng cho việc thi công, nghiệm thu công trình, ví dụ như: TCXDVN 333:2005, TCVN 9115:2012, TCVN 4314-2003, TCVN 4086-1985, TCVN 4244-1986, TCVN 3254-1989, TCVN 1651:2008, TCVN 8819:2011, TCVN 8859:2011,… Và các tiêu chuẩn khác đã hết hạn, không còn hiệu lực pháp lý.
Nhà thầu đề nghị Bên mời thầu xem xét lại các quy định của pháp luật và điều chỉnh, sửa đổi HSMT theo đúng quy định.
Bình luận, phân tích của chuyên gia:
Lý giải về cơ sở pháp lý trong việc đưa ra yêu cầu về nhân sự chủ chốt như trên, các chủ đầu tư, bên mời thầu cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, nhà thầu xây dựng có trách nhiệm xây dựng hệ thống quản lý thi công phù hợp với quy mô, tính chất của công trình, nêu rõ sơ đồ tổ chức và trách nhiệm của từng cá nhân đối với công tác quản lý thi công xây dựng, trong đó bao gồm cả các cá nhân phụ trách kỹ thuật thi công trực tiếp. Đồng thời, Điều 21 Nghị định này quy định, người trực tiếp phụ trách kỹ thuật thi công của nhà thầu xây dựng là một trong những thành phần chịu trách nhiệm thực hiện nghiệm thu công việc xây dựng và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá chất lượng công việc xây dựng đã được thi công, nghiệm thu (là thành phần ký biên bản nghiệm thu).
Căn cứ các quy định này, chủ đầu tư khẳng định, trong lĩnh vực xây lắp, nhất là những gói thầu có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, ngoài chỉ huy trưởng, các vị trí kỹ thuật thi công trực tiếp là cần thiết, nhằm bảo đảm yêu cầu về quản lý chất lượng công trình theo quy định pháp luật xây dựng, đồng thời bảo đảm cơ sở giải trình với các cơ quan thanh tra, kiểm toán.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cho rằng, trường hợp muốn quản lý chặt chẽ, kiểm soát về tiến độ, chất lượng của hợp đồng, chủ đầu tư có quyền quy định trong HSMT các vị trí phụ trách kỹ thuật chuyên môn ngoài chỉ huy trưởng với số lượng, tiêu chuẩn năng lực, kinh nghiệm phù hợp với quy mô, tính chất gói thầu. “Liên quan đến trình độ, bằng cấp của nhân sự, pháp luật xây dựng chỉ quy định điều kiện tối thiểu (trung cấp) để cá nhân được tham gia thực hiện công trình. Khi tổ chức đấu thầu, bên mời thầu căn cứ vào mục tiêu đầu tư, quy mô, tính chất cụ thể của gói thầu để đưa ra yêu cầu trong HSMT. Các yêu cầu này có thể cao hơn điều kiện tối thiểu trong pháp luật xây dựng, điều này không vi phạm pháp luật chuyên ngành”, ông Tuấn khẳng định.
TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu cho rằng, pháp luật đấu thầu đưa ra quy định khung, căn cứ vào đó, chủ đầu tư, bên mời thầu linh hoạt, cụ thể hóa đối với từng HSMT. “Không thể đánh đồng, “cào bằng” quy định tại gói thầu quy mô 10 tỷ đồng với gói thầu quy mô hàng trăm, nghìn tỷ đồng”, ông Hùng nêu quan điểm.
Trả lời, giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Ngày 23/11/2024, sau khi xem xét các nội dung đề nghị làm rõ của Nhà thầu, Bên mời thầu phúc đáp như sau:
Đối với yêu cầu hợp đồng tương tự: Tại ghi chú hướng dẫn ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT có nêu: (12) Ghi loại kết cấu, cấp công trình của công trình thuộc gói thầu. Loại kết cấu, cấp công trình được xác định theo Phụ lục II Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2021 của Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng. Trường hợp công trình/loại kết cấu công trình thuộc gói thầu không có trong Phụ lục II Thông tư số 06/2021/TT-BXD thì E-HSMT phải đưa ra quy định tính tương tự về bản chất của công trình; riêng đối với cấp công trình được xác định theo Phụ lục I Thông tư số 06/2021/TT-BXD. Đối chiếu với Phụ lục II Thông tư số 06/2021/TT-BXD, Bên mời thầu nhận thấy công trình/loại kết cấu công trình thuộc Gói thầu không có trong Phụ lục II nêu trên. Do đó, bên mời thầu đưa ra quy định tính tương tự về bản chất của gói thầu/công trình (được hiểu là tương tự về các hạng mục thuộc gói thầu đang xét) cho hạng mục hợp đồng tương tự. Việc đưa tiêu chí về hợp đồng tương tự là hoàn toàn phù hợp với các quy định ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT. Do vậy, không thay đổi nội dung HSMT đã phát hành.
Đối với yêu cầu về nhân sự chủ chốt: Điều chỉnh cập nhật trên Hệ thống.
Đối với các tiêu chuẩn: Cập nhật, bổ sung lại một số tiêu chuẩn hết hạn.
Kết quả giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Chủ đầu tư ban hành Văn bản số 560/QĐ-QLDA ngày 23/11/2024 về việc phê duyệt sửa đổi HSMT. Theo đó, sửa đổi Bảng số 02 Yêu cầu về nhân sự chủ chốt thuộc Chương III và cập nhật lại tiêu chuẩn tại Chương V, cụ thể như sau:
Bỏ yêu cầu đối với các vị trí công việc: Cán bộ phụ trách hạng mục đường giao thông, cán bộ phụ trách hạng mục thoát nước, cán bộ kỹ thuật phụ trách hạng mục điện chiếu sáng, cán bộ phụ trách trắc đạc.
Sửa yêu cầu đối với vị trí chỉ huy trưởng thành: “Tối thiểu 3 năm kinh nghiệm hoặc tối thiểu 1 hợp đồng, tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành xây dựng cầu đường/kỹ thuật xây dựng công trình giao thông; có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công công trình giao thông hạng III trở lên còn hiệu lực hoặc đã là cán bộ trực tiếp thi công xây dựng ít nhất 01 công trình giao thông cấp III trở lên (02 công trình giao thông cấp IV được xét là 01 công trình cấp III cùng loại)…”.
Sửa yêu cầu đối với vị trí cán bộ phụ trách an toàn lao động thành: “Tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành bảo hộ lao động hoặc cao đẳng chuyên ngành về xây dựng, có giấy chứng nhận huấn luyện an toàn lao động - vệ sinh lao động còn hiệu lực”.
Đã cập nhật lại các tiêu chuẩn tại Chương V của HSMT.
Gói thầu gia hạn thời điểm đóng thầu đến 09 giờ 00 ngày 04/12/2024. HSMT sửa đổi được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.