Việc dỡ bỏ những biển báo bất hợp lý là phù hợp với thực tế hạ tầng giao thông hiện nay. Ảnh: Đinh Tuấn |
Xóa bỏ biển báo bất hợp lý
Theo Báo cáo kết quả rà soát biển báo hạn chế tốc độ dưới 50 km/h của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến ngày 3/3/2016, tất cả biển báo hạn chế tốc độ dưới 50 km/h nằm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các trục giao thông chính của 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được rà soát, điều chỉnh và thay thế. Theo đó, cả nước có 3.271 biển báo hạn chế tốc độ dưới 50 km/h nằm trên các tuyến quốc lộ và đường địa phương đã được điều chỉnh và thay thế cho phù hợp với thực tế, bao gồm 993 biển báo trên các tuyến quốc lộ và 2.278 biển báo trên các tuyến đường địa phương.
Trong số 3.271 biển báo được điều chỉnh, thay thế nêu trên, có 1.611 biển báo được dỡ bỏ hoàn toàn; 353 biển báo được thay bằng biển tốc độ lớn hơn 50 km/h; 833 biển báo được thay thế bằng cảnh báo đi chậm, đường cong và 474 biển báo giữ nguyên biển nhỏ hạn chế tốc độ đối với xe khách giường nằm 2 tầng, một số vị trí cầu yếu, điểm đen chưa kịp xử lý.
Điểm đáng chú ý trong Báo cáo kết quả rà soát biển báo hạn chế tốc độ là có 10 địa phương trong cả nước không tồn tại biển báo hạn chế tốc độ dưới 50 km/h, bao gồm: Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Riêng đối với các thành phố lớn, Hà Nội có 141 biển báo hạn chế tốc độ dưới 50 km/h, đã dỡ bỏ 117 biển và thay bằng cảnh báo khác 24 biển báo; TP.HCM có 397 biển báo hạn chế tốc độ dưới 50 km/h, đã dỡ bỏ 2 biển báo, thay bằng biển hạn chế tốc độ lớn hơn 254 biển báo, thay bằng cảnh báo khác 140 biển báo và chỉ có 1 biển báo giữ nguyên hiện trạng.
Giám sát chặt để bảo vệ “thành quả”
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, với vai trò là đại diện cho Hiệp hội, ông đánh giá rất cao sự vào cuộc và kết quả rà soát, thay thế biển hạn chế tốc độ, biển báo bất hợp lý của các cơ quan chức năng thời gian qua. Kết quả này là một tín hiệu tốt, đem lại lợi ích kinh tế thiết thực như: Rút ngắn thời gian lưu thông trên các tuyến đường cho phương tiện; giảm thiểu hiện tượng ùn tắc giao thông; giúp phát huy hiệu quả đầu tư của nhiều tuyến đường, đem lại lợi ích cho ngành vận tải.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc rà soát, điều chỉnh và dỡ bỏ những biển báo bất hợp lý, biển báo hạn chế tốc độ dưới 50 km/h rất phù hợp với thực tế hạ tầng giao thông hiện nay ở nước ta. Thời gian qua, hạ tầng giao thông Việt Nam đã được cải thiện nhiều, cho phép tăng tốc độ lưu thông của các phương tiện để tránh ùn tắc giao thông, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Trước câu hỏi của phóng viên Báo Đấu thầu, liệu với kết quả rà soát này có thể “khai tử” toàn bộ biển báo bất hợp lý đang tồn tại trên các tuyến đường, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, về cơ bản đã rà soát và điều chỉnh hết các biển báo bất hợp lý, các biển báo hạn chế tốc độ trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, các trục giao thông chính ở các tỉnh. Tuy nhiên, có thể trong những tuyến đường nhỏ, hẹp, ở các cụm dân cư vẫn còn tồn tại những biển báo bất hợp lý. Chính vì thế, công tác rà soát biển báo vẫn sẽ được các đơn vị quản lý đường bộ của địa phương làm thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều chỉnh cho phù hợp.
Về việc có thể tái phát tình trạng “trồng lại, trồng thêm biển bất hợp lý” trên các tuyến đường, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định, Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo các tỉnh, Sở Giao thông vận tải, các đơn vị chức năng tuần tra, kiểm soát sát sao để bảo vệ “những thành quả” đã làm được, kiên quyết xử lý ngay các biển mới mọc bất hợp lý.