Lạc quan mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tiếp nối đà tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024, các cấu phần trọng yếu của nền kinh tế tiếp tục ghi nhận bước tiến khả quan trong tháng 7. Nhờ đó, nhiều tổ chức nghiên cứu kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt mức 6,5 - 7%. Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ tích cực của Chính phủ, cần chú trọng cải thiện năng lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để nắm bắt cơ hội tăng trưởng nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Tăng trưởng GDP năm 2024 được dự báo tích cực nhờ sự cải thiện đồng bộ của các động lực sản xuất, tiêu dùng và đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Tăng trưởng GDP năm 2024 được dự báo tích cực nhờ sự cải thiện đồng bộ của các động lực sản xuất, tiêu dùng và đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Tại Báo cáo vĩ mô Việt Nam vừa công bố, Ngân hàng HSBC nhấn mạnh khả năng nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 ở mức 6,5%. Trong đó, điểm sáng đáng chú ý là thương mại tiếp tục phục hồi với xuất khẩu trong tháng 7 tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới của lĩnh vực sản xuất tính từ đầu năm đã tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn một số năm trước đây.

Cùng quan điểm, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MBS ước tính GDP cả năm 2024 sẽ tăng trưởng ở mức 6,5% trên cơ sở dự báo mức tăng 6,6% và 6,5% lần lượt trong quý III và quý IV nhờ hoạt động xuất khẩu sôi động, tiêu dùng nội địa cải thiện, giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả hơn và sự tăng trưởng vững vàng của ngành du lịch.

Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định, triển vọng tăng trưởng đang nghiêng về kịch bản tích cực với sự cải thiện đồng bộ của sản xuất, tiêu dùng và đầu tư. Nhờ đó, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt mức tăng 6,7 - 7 %. Động lực tăng trưởng trong nửa cuối năm gồm xuất khẩu và sản xuất giữ vững; lĩnh vực tiêu dùng và bất động sản cải thiện nhẹ; đầu tư đang tăng tốc tốt ở khối ngoài nhà nước và FDI, bù đắp cho tốc độ tăng chậm lại của đầu tư công.

Ghi nhận nhiều điểm sáng về tình hình sản xuất công nghiệp trong 7 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7/2024 ngành sản xuất đạt 54,7 điểm, tăng 4 tháng liên tục và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2018. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) sau 7 tháng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, là mức lũy kế cao nhất kể từ tháng 2/2024 đến nay.

Theo Thứ trưởng, năng lực sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp trong nước đã khôi phục rất tích cực và sẵn sàng tận dụng những cơ hội tiếp cận các thị trường mới trong thời gian tới. Niềm tin của doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài được củng cố mạnh mẽ nhờ những tín hiệu tích cực trong tăng trưởng sản xuất công nghiệp các tháng gần đây.

Theo Thứ trưởng Thắng, những kết quả tích cực đó có được là nhờ hiệu quả từ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm. Bên cạnh đó, kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI khả quan cũng giúp tăng thêm năng lực cho sản xuất trong nước. Ở khía cạnh khác, Chính phủ và nhiều bộ, ngành, địa phương đồng hành cùng các hiệp hội, doanh nghiệp tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, từ đó các đơn hàng xuất khẩu tăng trưởng tích cực trong các ngành hàng chủ lực như dệt may, da - giày, điện tử, chế biến thực phẩm. Đáng chú ý, năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và niềm tin đó được củng cố nhờ môi trường kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và xu hướng phục hồi của thị trường thế giới.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Thắng cho rằng, vẫn còn một số thách thức mà nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng đang phải đối diện. Trước hết, dù đã được cải thiện song nội lực của các ngành sản xuất trong nước vẫn còn yếu, nền sản xuất vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài, đặc biệt là phụ thuộc vào khu vực FDI. Bên cạnh đó, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, nên cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để cải thiện nền công nghiệp sản xuất trong nước hồi phục và phát triển bền vững…

Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, bức tranh kinh tế tháng 6 và tháng 7 rất tích cực, các động lực tăng trưởng chính từ sản xuất, tiêu dùng và đầu tư đều được cải thiện mạnh mẽ, nhờ đó, triển vọng tăng trưởng GDP cả năm trên 6,5% ngày càng rõ nét. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 7% tại Nghị quyết số 108/NQ-CP, các cơ quan chức năng cần chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục tận dụng cơ hội từ các dự án đầu tư công lớn và chính sách khôi phục thị trường bất động sản của Chính phủ…

Tin cùng chuyên mục