Lạc quan triển vọng kinh tế Việt Nam

(BĐT) - Trò chuyện với Báo Đấu thầu trước thềm Xuân Giáp Thìn, đại diện nhiều tổ chức quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao các giải pháp điều hành của Chính phủ Việt Nam giúp tăng trưởng kinh tế đạt kết quả khả quan trong năm 2023 và đặt niềm tin vào triển vọng phát triển tích cực trong năm 2024.
Lạc quan triển vọng kinh tế Việt Nam

Nhiều cơ hội lớn cho nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội

Bước vào năm mới Giáp Thìn, tôi lạc quan về triển vọng của Việt Nam bất chấp các cơn gió ngược từ kinh tế toàn cầu. Khi nhiều công ty Mỹ tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư Mỹ. Tôi tin rằng, yếu tố quan trọng nhất để xây dựng được một môi trường đầu tư hấp dẫn là hành lang pháp lý rõ ràng, công bằng và có tính dự đoán, đánh giá cao sự sáng tạo - không chỉ nhằm thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và phát triển các khoản đầu tư hiện có ở đây. Rõ ràng, việc các nhà đầu tư hiện hữu đang mở rộng hoạt động là sự quảng cáo tốt nhất để thu hút đầu tư mới.

Mặc dù kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn, song kinh tế Việt Nam vẫn có triển vọng tích cực nếu môi trường kinh doanh được cải thiện giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí tuân thủ và giảm rủi ro kinh doanh. Có nhiều cách để cải thiện môi trường kinh doanh và chúng tôi đánh giá cao nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định phiền phức, làm gia tăng thủ tục hành chính như cấp phép, phê duyệt và yêu cầu báo cáo. Tôi đánh giá cao việc Chính phủ làm rõ những yếu tố trong quy định pháp luật cản trở việc đầu tư và gánh nặng hành chính trong các văn bản pháp luật đang được xây dựng.

Tôi nhận thấy có nhiều cơ hội to lớn cho các nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam. AmCham sẽ phối hợp với Chính phủ Việt Nam để tiếp tục cải thiện các điều kiện kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân, bảo đảm sự phát triển xã hội và kinh tế bền vững. Quá trình đó không chỉ giúp thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài mà còn góp phần cải thiện vị thế cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam.

Hướng tới tăng trưởng dài hạn và bền vững

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam

Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang ngày càng tăng. Năm 2023, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Đây là minh chứng rõ ràng cho niềm tin ngày càng tăng vào nền kinh tế Việt Nam. Du lịch cũng hồi phục mạnh mẽ với việc chào đón hơn 12,6 triệu du khách quốc tế vào năm 2023, tăng gấp ba lần so với năm trước. Sự chú ý toàn cầu về Việt Nam như một điểm đến hàng đầu dành cho doanh nhân và khách du lịch cũng báo hiệu sự phục hồi kinh tế trên diện rộng. Đây là những con số đầy hứa hẹn, nhưng vẫn cần quan sát thận trọng. Chỉ số niềm tin kinh doanh vẫn ở dưới mức trung bình và hơn 1/3 số doanh nghiệp dự đoán sẽ hoạt động kém hiệu quả.

Trước sự cạnh tranh ngày càng tăng trong khu vực, điều quan trọng với Việt Nam là phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách và chiến lược để thu hút và duy trì đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một lĩnh vực quan trọng cần tập trung là đơn giản hóa thủ tục hành chính và thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng để giảm chi phí hậu cần đồng thời với việc nâng cao trình độ của lực lượng lao động. Điều này sẽ giúp đất nước duy trì tính cạnh tranh trong quỹ đạo tăng trưởng kinh tế.

Trong tương lai, tầm quan trọng của việc Việt Nam tận dụng Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) sẽ ngày càng tăng lên. Hiệp định này, cùng với các hiệp định thương mại song phương và khu vực khác nhau của Việt Nam, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi quá trình phục hồi kinh tế hiện tại thành tăng trưởng dài hạn và bền vững.

Việt Nam sẽ vững vàng vượt thách thức nhờ chiến lược hội nhập chủ động

GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam

Việt Nam đã có một năm tăng trưởng tích cực bất chấp tác động từ suy giảm thương mại toàn cầu. Năm 2024, vẫn còn đó những khó khăn từ kinh tế thế giới với dự kiến mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu khá khiêm tốn.

Để tiếp tục tăng trưởng tích cực trong thời gian tới, theo tôi, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện chiến lược hội nhập kinh tế sâu rộng. Bên cạnh sự ổn định kinh tế và chính trị, các nhà đầu tư nước ngoài rất chú ý đến cam kết của Việt Nam trong việc phát triển nền kinh tế theo định hướng thị trường, gia nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu và tích cực hợp tác với các nhà đầu tư, đối tác thương mại nước ngoài.

Về dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, điểm đáng lưu ý là không phải các doanh nghiệp Việt Nam đều hưởng lợi từ dòng vốn này. Để tận dụng được cơ hội từ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh và dần tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Dù vẫn còn nhiều thách thức từ môi trường kinh tế bên ngoài, tôi vẫn tin tưởng Việt Nam sẽ vững vàng vượt qua nhờ chiến lược hội nhập chủ động, tích cực song song với phát huy nội lực của nền kinh tế.

Thế kỷ 21 được gọi là “Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương”. Việt Nam ở trung tâm khu vực đang tăng trưởng này, nên có lợi thế khi vừa là điểm đến ưa thích của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vừa là cầu nối giao thương cả khu vực.

Cần giảm chi phí kinh doanh từ đơn giản thủ tục hành chính

Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội

Sau hai năm tăng trưởng thấp, kinh tế của Việt Nam đã bật lại mạnh mẽ, đạt mức 8% năm 2022 và tiếp tục hồi phục khá tốt trong năm 2023 dù không đạt mức cao như năm 2022.

Về năm 2024, xuất nhập khẩu có thể sẽ bớt đà suy giảm nhờ vào sự hồi phục sản xuất và tiêu dùng ở châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế học tin rằng, tăng trưởng ở các quốc gia lớn năm 2024 sẽ thấp hơn năm 2023. Chẳng hạn, theo IMF, tăng trưởng của Mỹ sẽ chỉ còn ở mức 1,5% trong năm 2024 từ mức 2,1% năm 2023. Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 4,2% từ mức 5%, Nhật Bản giảm xuống mức 1% từ mức 2%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam vẫn ở mức dưới 50 điểm.

Nhu cầu trong nước cũng có thể cần thời gian để hồi phục. Mặc dù lãi suất đã giảm song chi phí vay vốn vẫn là một gánh nặng với nhiều doanh nghiệp và gây khó cho sự hồi phục của thị trường bất động sản, hàng hóa tiêu dùng, đầu tư hạ tầng. Có nhiều yếu tố cản trở đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 dù nền kinh tế đã phục hồi nhẹ từ năm 2023. Các lĩnh vực trụ cột sẽ là công nghệ thông tin, công nghệ số, lương thực, du lịch, giáo dục và y tế. Các lĩnh vực có tiềm năng phát triển mới của Việt Nam gồm công nghệ bán dẫn, logistics, trung tâm dữ liệu, môi trường và phát triển đô thị.

Chính phủ có thể hỗ trợ quá trình phục hồi của nền kinh tế với cách tốt nhất là đơn giản hóa và rút ngắn quá trình phê duyệt, cấp phép, bảo đảm sự minh bạch và công bằng trong đối xử với các nhà đầu tư. Thời gian là chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, nên việc cắt giảm thủ tục hành chính sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đẩy mạnh nhu cầu trong nước, thúc đẩy cải cách cơ cấu

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam

Đánh giá mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu, tăng trưởng sẽ chậm lại, qua đó làm chậm quá trình phục hồi của nhu cầu bên ngoài. Những yếu tố bất ổn của kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024, và trong báo cáo công bố mới đây, ADB giữ nguyên dự báo ở mức 6,0% với nhận định khu vực bên ngoài có sự phục hồi, còn các động lực tăng trưởng trong nước sẽ tiếp tục được củng cố trên nền tảng năm 2023.

Thách thức chủ yếu từ bên ngoài là nhu cầu toàn cầu yếu, trong đó phải kể đến sự phục hồi chậm ở Trung Quốc, cản trở hoạt động sản xuất hướng tới xuất khẩu, làm giảm triển vọng thương mại và đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm. Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị gia tăng sẽ tác động tiêu cực lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức từ những cơn gió ngược mạnh hơn và phải tăng cường cho các động lực tăng trưởng từ thị trường nội địa. Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa các cải cách mang tính cơ cấu, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh nhằm mục tiêu vừa giảm bớt chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, thu hút nhiều hơn nữa đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước, từ đó đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi kinh tế. Trong dài hạn, Việt Nam cần hướng tới đẩy mạnh đầu tư công vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, tăng cường hạ tầng để cải thiện năng lực cạnh tranh, gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

Bất động sản là một cơ hội phát triển quan trọng của Việt Nam

Ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)

Lĩnh vực bất động sản (gồm kinh doanh và xây dựng) đóng góp trên 10% vào GDP của nền kinh tế. Bất động sản cũng là tài sản quan trọng nhất của các hộ gia đình và là tài sản quan trọng của doanh nghiệp. Khoảng 25% nguồn vốn quốc gia được “cất giữ” trong giá trị của đất và các tòa nhà. Thị trường bất động sản thu hút hàng nghìn lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp trong các lĩnh vực sắt thép, xi măng, nội thất và các ngành liên quan và nhiều dịch vụ tài chính khác.

Do đó, bất động sản là một cơ hội phát triển quan trọng của Việt Nam. Việt Nam đang đô thị hóa, có nghĩa là nhu cầu về nhà ở lành mạnh, an toàn ở đô thị và vùng cận đô thị đang tăng lên. Tuy nhiên, cung và cầu về nhà ở chưa cân bằng. Tất cả các quốc gia đều phải đối mặt tình trạng tương tự trong một số giai đoạn phát triển của nền kinh tế.

Một thách thức lớn khác mà Việt Nam đang đối mặt là sự chuyển đổi năng lượng tái tạo. Sự phát triển của điện gió và điện mặt trời thay thế cho điện than là cần thiết cho an ninh năng lượng và tránh thuế carbon có thể tăng cao. Tuy nhiên, khó khăn trong việc xây dựng một thị trường năng lượng cạnh tranh, cùng với vướng mắc trong đầu tư vào lưới điện là những trở ngại chính đối với chuyển đổi năng lượng.

Cuối cùng, do Việt Nam đang thực hiện công nghiệp hóa, nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực công nghệ và các ngành thâm dụng kiến thức sẽ tăng trong thời gian tới. Tại Việt Nam, các công ty công nghệ cao vẫn không thể tuyển dụng đủ lao động có kỹ năng tốt để mở rộng hoạt động.

Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc trong việc nâng cấp các đại học trong nước, dựa trên những tiêu chí rõ ràng và tuyển dụng nhà khoa học Việt Nam đang dạy ở các đại học quốc tế hoặc làm việc cho các công ty toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục