Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Đánh giá về ĐKKD đối với các mô hình KDVT bằng xe ô tô trong Dự thảo Luật, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Trưởng phòng Luật kinh tế thuộc Viện Nhà nước và Pháp luật chỉ ra nhiều bất cập. Chẳng hạn như tại Điều 118 của Dự thảo Luật quy định chung về ĐKKD cho toàn bộ các hoạt động KDVT bằng ô tô mà không có sự phân loại theo bản chất, yêu cầu thực tế của dịch vụ mà DN cung cấp.
“Sẽ rất vô lý nếu việc kinh doanh dịch vụ của DN cung ứng phần mềm kết nối, không cần thiết đến việc mua sắm phương tiện vận tải mà vẫn phải mua cho đầy đủ điều kiện, gây lãng phí nguồn lực và tạo ra sự quá tải về hạ tầng, phá vỡ quy hoạch taxi, trong khi có thể tận dụng các phương tiện nhàn rỗi”, ông Dương nhấn mạnh.
Do đó, vị chuyên gia này đề xuất Ban soạn thảo phải có sự cá biệt hóa các ĐKKD phù hợp với từng dịch vụ trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ô tô.
Đối với điều kiện về chứng chỉ hành nghề điều hành vận tải, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) thẳng thắn đề nghị Ban soạn thảo bỏ Khoản 4 Điều 118 của Dự thảo Luật là: người điều hành hoạt động vận tải của đơn vị KDVT ô tô phải có chứng chỉ hành nghề điều hành vận tải.
Theo bà Thảo, quy định này là tăng so với quy định hiện hành: “có trình độ chuyên môn về vận tải”. Đây là một hình thức áp đặt giấy phép con, tạo thêm gánh nặng thủ tục không cần thiết đối với DN. Quy định này bắt buộc người điều hành hoạt động vận tải phải trải qua một khóa đào tạo và cấp chứng chỉ, dẫn tới việc thực hiện quy định chỉ là hình thức, đối phó cho đủ điều kiện.
Đồng thời, bà Thảo nhấn mạnh, quy định này cũng không giúp mục tiêu quản lý nhà nước về an toàn vận tải trở nên hiệu quả hơn, bởi người điều hành vận tải không trực tiếp tham gia vào hoạt động lưu thông trên đường. Các quy định về bằng lái xe, chất lượng phương tiện, sức khỏe tài xế... đã đủ để bảo đảm mục tiêu này.
Hơn nữa, đại diện CIEM cho rằng, Dự thảo còn đưa ra một số yêu cầu không cần thiết và can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của DN như: yêu cầu số lượng phương tiện, lái xe KDVT phù hợp với phương án kinh doanh...
Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải – đơn vị chủ trì soạn thảo Dự luật), quy định về chứng chỉ như Dự luật là cần thiết. Việc cấp chứng chỉ này không phải là mới, vấn đề là cấp trước hay cấp sau khi có giấy phép lái xe, quá trình triển khai sao cho thực chất, đảm bảo thủ tục hành chính rõ ràng, minh bạch.
Ông Trần Hữu Minh – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lý giải, sở dĩ thời gian qua người dân và DN cảm thấy bức xúc về giấy phép hành nghề là vấn đề xin - cho. Thực sự giấy phép không có lỗi, mà là quá trình xin cấp phép có vấn đề. Theo ông Minh, chứng chỉ hành nghề KDVT nên tiếp cận theo 2 hướng, một là bằng cấp (trung cấp), hai là chứng chỉ. KDVT thì phải có tiêu chuẩn cao hơn vì di chuyển nhiều, nghiệp vụ phức tạp và mức độ rủi ro nhiều hơn. Chẳng hạn như trường hợp KDVT đưa đón học sinh, lái xe phải có kỹ thuật phương tiện, kỹ năng cứu thương, quản lý trẻ em lên xuống... Trong trường hợp lái xe vi phạm quy định thì không thể thu hồi bằng lái của cá nhân đó, vì ảnh hưởng tới quyền cá nhân, mà chỉ có thể thu hồi chứng chỉ hành nghề KDVT. Quan trọng là phải lồng ghép quy định này vào giai đoạn nào cho phù hợp.
Riêng đối với ý kiến về việc cần có ĐKKD tương thích với từng dịch vụ KDVT hành khách bằng xe ô tô, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ ghi nhận và cho biết sẽ chỉ đạo Ban soạn thảo Dự luật tiếp thu ý kiến, nghiên cứu, xây dựng để hoàn thiện. Dự kiến, Dự luật sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 để thảo luận, cho ý kiến và sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 11 diễn ra vào tháng 5/2021.