Phục hồi tổng cầu là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khó khăn của kinh tế thế giới, nhất là việc giảm nhu cầu tiêu dùng tác động rất mạnh đến nền kinh tế Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia, phục hồi tổng cầu là “chìa khóa” thúc đẩy tăng trưởng trong nửa cuối năm nay. Vấn đề là lựa chọn chính sách nào để kích thích tổng cầu, vừa đạt mục tiêu vừa hạn chế “tác dụng phụ”, không tạo ra hệ lụy lâu dài.
Để phục hồi tổng cầu, cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án hạ tầng. Ảnh: Lê Tiên
Để phục hồi tổng cầu, cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án hạ tầng. Ảnh: Lê Tiên

Các động lực từ phía cầu đều suy yếu

Theo ông Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, tốc độ tăng trưởng quý II/2023 tuy hồi phục nhẹ nhưng không khả quan ở tất cả các khu vực, nhất là khu vực công nghiệp - xây dựng. Sản xuất công nghiệp đối mặt với một năm đầy khó khăn trong bối cảnh giảm nhu cầu tiêu dùng tại nhiều nước đối tác thương mại lớn do chính sách thắt chặt tiền tệ chống lạm phát. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng theo 2 kịch bản 6% và 6,5% đều rất thách thức. “Có lẽ cần dần quen với tăng trưởng thấp ổn định”, ông Nguyễn Đức Trung chia sẻ quan điểm.

Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay, theo ông Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, là tổng cầu suy giảm mạnh, cả 3 động lực từ phía cầu đều suy yếu.

Thứ nhất, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng tốt trong quý I nhưng chậm lại trong quý II. Tiêu dùng dự kiến sẽ tăng chậm lại do lãi suất còn cao, thu nhập và tài sản giảm.

Thứ hai, đầu tư công tăng khá nhưng còn thấp so với kế hoạch, các thành phần đầu tư khác đều yếu. Trong đó, đầu tư tư nhân tăng rất chậm do lãi suất cao, khó tiếp cận tín dụng và phát hành trái phiếu/cổ phiếu, đặc biệt là do niềm tin giảm sút. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định nhưng dự báo khó tăng mạnh cho tới khi kinh tế thế giới khởi sắc và xuất khẩu hồi phục.

Động lực thứ ba là xuất nhập khẩu giảm mạnh qua các quý. Xuất khẩu có xu hướng tiếp tục khó khăn, nhất là với hàng tiêu dùng không thiết yếu và liên quan đến nhà ở, rủi ro mất đơn hàng.

Nhìn từ triển vọng toàn cầu, theo ông Jonathan Pincus, Kinh tế trưởng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phục hồi nhưng chậm trong năm 2023. Tuy nhiên, dấu hiệu tích cực là giá nhiên liệu giảm, tăng trưởng lao động vẫn tốt. Tác động tới Việt Nam rõ nét trong năm nay là cầu xuất khẩu sẽ tiếp tục yếu.

Kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội, nâng mức thu nhập chịu thuế, giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng thiết yếu là một trong những biện pháp kích cầu. Ảnh: Nhã Chi

Kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội, nâng mức thu nhập chịu thuế, giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng thiết yếu là một trong những biện pháp kích cầu. Ảnh: Nhã Chi

Nên dựa nhiều hơn vào công cụ tài khóa để kích cầu

Tại Tọa đàm "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh mới" do Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 11/7/2023, nhiều chuyên gia nhấn mạnh tính cấp bách của phục hồi tổng cầu để thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay.

Ông Phạm Thế Anh đề xuất có thể sử dụng một số biện pháp hỗ trợ tổng cầu có chọn lọc nhưng cần kết hợp các chính sách cải thiện tổng cung tiềm năng. Kích cầu trước hết cần bảo đảm nguyên tắc kịp thời. Thứ hai, chỉ thực hiện tạm thời kích thích phản ứng của doanh nghiệp, người tiêu dùng, tránh các bất ổn như lạm phát, bong bóng giá tài sản…; ưu tiên các biện pháp kích cầu tạm thời nhưng cải thiện được năng suất trong dài hạn. Nguyên tắc thứ ba là phải đúng đối tượng, hướng vào đối tượng có nhu cầu, cần chi tiêu cao và hướng vào hàng hóa nội địa.

Tại Nghị quyết số 97/NQ-CP Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài khóa; đề xuất cấp có thẩm quyền tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong những năm tới nhưng không ảnh hưởng đến an toàn nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia gắn với sử dụng vốn có hiệu quả.

Ông Phạm Thế Anh đưa ra một số chính sách có thể kích cầu, chẳng hạn, khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua tiếp tục hạ lãi suất cho vay nhưng cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10%, tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập. Dù vậy, theo ông Thế Anh, chính sách tiền tệ cũng có những hạn chế, ít hiệu quả kích thích đầu tư khi doanh nghiệp bi quan và sức cầu tiêu dùng yếu. Vì thế, cần ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa. Cụ thể, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án hạ tầng, tránh dàn trải; phát triển nhà ở xã hội; xây dựng mới trường học công. Đây là chính sách có tác dụng lâu dài, hạn chế tác động phụ. Đồng thời, kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; nâng mức thu nhập chịu thuế; giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng thiết yếu.

Ông Jonathan Pincus cho rằng, Việt Nam còn dựa nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu. Việc nới lỏng chuẩn cho vay và hạ thấp lãi suất có thể gây rủi ro làm giảm chất lượng tài sản, tạo ra bong bóng tài sản. Bên cạnh đó, các công cụ tài khóa không được sử dụng đúng mức có thể làm chậm tăng trưởng cầu trong thời kỳ suy thoái và gây ra lạm phát trong thời kỳ tăng trưởng (chính sách tài khóa thuận chu kỳ).

Ông Jonathan Pincus khuyến nghị, Việt Nam cần nhiều công cụ chính sách tài khóa hơn, không nên dựa vào chính sách tiền tệ trong giai đoạn cầu yếu. Chính sách tài khóa ngược chu kỳ là cần thiết để ổn định kinh tế vĩ mô, kích cầu trong giai đoạn tăng trưởng toàn cầu giảm. Một số giải pháp cụ thể là đẩy mạnh đầu tư công đi đôi với tăng hiệu quả, đầu tư tập trung; minh bạch hoá chính sách tài khoá; cần các công cụ mới để tăng vốn dài hạn trong nước cho chuyển dịch năng lượng.

Chỉ ra mức tăng của tiêu dùng cuối cùng trong nửa đầu năm 2023 thấp hơn cùng kỳ năm 2021, 2022, tổng cầu trong nước đang suy yếu rất mạnh, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - nhấn mạnh, để kích cầu trong nước, cần chú trọng các giải pháp giúp người dân tăng chi tiêu.

Tin cùng chuyên mục