Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại 2 kỳ họp tới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua, Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023); Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi)… được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Phiên họp chiều 13/6 của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Phiên họp chiều 13/6 của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Chiều 13/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Nghị quyết có bố cục gồm 4 Điều với các nội dung chủ yếu về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Theo đó, Nghị quyết quy định, về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022: Đổi tên Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022); Điều chỉnh thời gian trình đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023); Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) theo quy trình tại một kỳ họp Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Ngoài ra, còn bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) các dự án: Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), trình Quốc hội thông qua 6 luật, 1 nghị quyết, bao gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Bên cạnh đó, trình Quốc hội cho ý kiến về 6 dự án: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) sẽ trình Quốc hội thông qua 6 luật: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến về 2 dự án luật: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; bảo đảm thực hiện nghiêm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; không đề nghị bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách, triển khai ngay chủ trương, chính sách của Đảng, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; khắc phục triệt để tình trạng gửi hồ sơ dự án, dự thảo không đúng thời hạn quy định, không bảo đảm chất lượng.

Nghị quyết giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan, tổ chức có liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ lập pháp được giao trong Đề án Định hướng. Trường hợp sau khi rà soát, nghiên cứu thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết thì khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết bảo đảm chất lượng để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình, bảo đảm thứ tự ưu tiên về tính cấp thiết ban hành, tính khả thi của Chương trình, cân đối hài hòa với khối lượng công việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng toàn bộ các nhiệm vụ lập pháp đã được đề ra trong Đề án Định hướng.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh, cơ quan, tổ chức được giao chủ trì soạn thảo thực hiện nghiêm, thực chất việc tổng kết thi hành pháp luật; đánh giá tác động của chính sách; tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Việc soạn thảo phải đặt yêu cầu cao về chất lượng, bám sát và kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; các quy định phải bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, có tính quy phạm cao, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì mới đề xuất quy định trong luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết nhưng là vấn đề mới, chưa có sự đồng thuận cao thì có thể đề xuất thực hiện thí điểm; đánh giá kỹ lưỡng về nguồn lực để thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này. Trong quá trình thực hiện, để kịp thời xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra, trên cơ sở xem xét đề nghị của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Tin cùng chuyên mục