Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều nay (27/7), Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022.
Với 476/477 đại biểu tán thành (chiếm 95,39% tổng số đại biểu), Quốc hội quyết định thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” do ông Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn.
Phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan trên phạm vi cả nước.
Đối tượng giám sát là Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Nội dung giám sát tập trung đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Đoàn giám sát xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức triển khai thực hiện. Đoàn giám sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các quy định pháp luật có liên quan, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát tại phiên họp tháng 8/2022, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4.
Đại biểu Quốc hội khóa XV ấn nút biểu quyết tại Kỳ họp thứ nhất |
Trong khi đó, với 461/476 đại biểu tán thành (chiếm 92,38% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội sẽ thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” do ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn.
Phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 có hiệu thực thi hành trên phạm vi cả nước.
Đối tượng giám sát là Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Nội dung giám sát là đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Đoàn giám sát xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức triển khai thực hiện. Đoàn giám sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các quy định pháp luật có liên quan, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát tại phiên họp tháng 4/2022, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 3.
Trước đó, ngày 25/7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.