Quyết liệt đưa hàng Việt vào đấu thầu

(BĐT) - Mặc dù kết quả thực hiện Chỉ thị 494/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước đã có nhiều điểm tích cực, nhưng thực tế triển khai chỉ thị này vẫn gặp khó khăn, vướng mắc.
Phải nâng chất lượng thì hàng nội mới cạnh tranh được với hàng ngoại trong các gói thầu sử dụng vốn nhà nước. Ảnh: Lê Tiên
Phải nâng chất lượng thì hàng nội mới cạnh tranh được với hàng ngoại trong các gói thầu sử dụng vốn nhà nước. Ảnh: Lê Tiên

Vì sao khó đưa hàng Việt vào đấu thầu?

Theo đánh giá của đa số bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và đặc biệt là các đơn vị sử dụng vốn nhà nước, việc thực hiện Chỉ thị 494/CT-TTg trong 5 năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, phát triển sản xuất trong nước; giảm nhập siêu; tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt; tạo công ăn việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg của nhiều đơn vị còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Sở KH&ĐT An Giang cho rằng: “Hiện vẫn còn chủ đầu tư, bên mời thầu ít biết và quan tâm tới Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được và danh sách các doanh nghiệp sản xuất được các mặt hàng theo danh mục này”.

Sở KH&ĐT Bến Tre cho biết thêm, nhiều hồ sơ mời thầu còn đặt điều kiện tiên quyết ưu tiên cho hàng nhập ngoại, loại bỏ hàng sản xuất trong nước... Không ít trường hợp, mặc dù tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước, nhưng trong hồ sơ mời thầu lại yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ các nước phát triển như G7 hoặc từ Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan..., hoặc quy định sản phẩm phải nhập khẩu đồng bộ, nguyên chiếc, gây cản trở đối với hàng hóa sản xuất trong nước và hạn chế sự tham gia của nhà sản xuất, cung ứng nội địa.

Bên cạnh yếu tố chủ quan của chủ đầu tư, bên mời thầu, theo nhiều địa phương, chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã của các sản phẩm, hàng hóa trong nước phần  nhiều chưa đáp ứng tốt các yêu cầu của chủ đầu tư, đặc biệt là các sản phẩm kỹ thuật cao. Đơn cử như tại An Giang, địa phương này cho rằng: “Một số máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu sản xuất trong nước có chất lượng chưa bằng các sản phẩm cùng loại do nước ngoài sản xuất nên dẫn đến chi phí sửa chữa, bảo trì, thay thế trong quá trình vận hành tăng. Ngoài ra, một số sản phẩm bị lỗi thiết kế và chế tạo dẫn đến khi lắp đặt vận hành phải chỉnh sửa, ảnh hưởng tới tiến độ dự án”.

Cùng với đó, Danh mục nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được chưa được cập nhật, bổ sung kịp thời, dẫn đến việc các chủ đầu tư không có thêm nhiều lựa chọn để sử dụng vật tư, máy móc, thiết bị trong nước.

Mặt khác, hoạt động quản lý, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, chưa bao quát được toàn cảnh về tình hình thực hiện tại địa phương. Bởi vì trên thực tế, theo ông Lăng Văn Hòa – Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Kạn, một số đơn vị sản xuất vật tư, hàng hóa trong nước vẫn có tư tưởng ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, không chú trọng cải tiến hình thức, chất lượng và giá cả, thậm chí còn vi phạm quy định về chất lượng.

Ngoài ra, một số địa phương cho rằng, hiện vẫn còn thiếu tiêu chuẩn và quy chuẩn thí nghiệm trong thi công và nghiệm thu một số chủng loại hàng hóa nhập khẩu với giá rẻ nhưng kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Sở KH&ĐT Bến Tre nêu khó khăn là thiếu hàng rào kỹ thuật (nhất là các tiêu chuẩn liên quan đến tiêu chuẩn tiêu hao năng lượng, bảo vệ sức khỏe người sử dụng...) đối với hàng nhập khẩu, đặc biệt các sản phẩm cơ khí, thuốc… 

Thủ tướng chỉ đạo sửa Chỉ thị số 494/CT-TTg

Nhằm phát huy các kết quả đạt được, đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc thực hiện Chỉ thị 494/CT-TTg, góp phần hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc Chỉ thị 494/CT-TTg.

Đặc biệt, đối với Bộ KH&ĐT, Thủ tướng yêu cầu Bộ chủ trì nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị sửa đổi, bổ sung Chỉ thị số 494/CT-TTg. Về định hướng việc sửa đổi, bổ sung Chỉ thị số 494/CT-TTg, Thủ tướng chỉ đạo, đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, trong hồ sơ mời thầu không được quy định cụ thể về xuất xứ hàng hóa, cũng như không được đưa yêu cầu hàng hóa phải nhập khẩu nguyên chiếc... Mục đích là nhằm tăng cường sự tham gia của các nhà thầu là nhà sản xuất, cung ứng trong nước, thúc đẩy sản xuất hàng nội địa, định hướng mạnh đến việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu.

Cùng với đó, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc và tăng cường kiểm tra, thanh tra các chủ đầu tư, bên mời thầu trong việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.

Tin cùng chuyên mục