Tăng tốc hoàn thành cao nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Qua 11 tháng của năm 2020, nhiều kết quả quan trọng đã đạt được, mang lại niềm tin về triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam. Tháng cuối năm, với khó khăn và cơ hội đan xen, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kể cả vấn đề đầu tư công và các mặt khác để tiếp tục giữ đà tăng trưởng.

Cần có chính sách hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn, kích cầu trong nước với trọng tâm là các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải... để đạt “mục tiêu kép”. Ảnh: Lê Tiên
Cần có chính sách hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn, kích cầu trong nước với trọng tâm là các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải... để đạt “mục tiêu kép”. Ảnh: Lê Tiên

Khởi sắc trong khó khăn

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), nền kinh tế trong tháng 11 tiếp tục duy trì đà phục hồi trong điều kiện bình thường mới. Sản xuất, kinh doanh, thương mại và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định. Đặc biệt, tranh thủ cơ hội trong khó khăn, nhiều ngành, lĩnh vực có dấu hiệu khởi sắc.

Trước hết, phải kể đến xuất siêu ở mức kỷ lục 20,1 tỷ USD; xuất khẩu đạt 254 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, mức tăng 11 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm trước đạt mức kỷ lục trong giai đoạn 2011 - 2020. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 lên mức 2,4%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới.

Bên cạnh những kết quả tích cực, kinh tế trong nước tháng cuối năm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đã chậm lại trong tháng 11. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư khu vực tư nhân suy giảm. Mặc dù tình hình phát triển doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi tích cực nhưng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tiếp tục tăng cao (11 tháng tăng 59,7% so với cùng kỳ năm 2019). Ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình trạng lũ lụt tại nhiều nơi gây nên tác động kép khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. Ngày 30/11/2020, Việt Nam chính thức ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng tại TP.HCM sau gần 90 ngày với lịch sử dịch tễ phức tạp. Tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân… đòi hỏi các cấp, các ngành cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để phấn đấu hoàn thành đạt mức cao nhất mục tiêu kế hoạch năm 2020 đã đề ra.

Chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế cần đạt mục tiêu kép

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quan điểm thần tốc trong các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tăng tốc hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhiều cơ hội vẫn đang rộng mở để Việt Nam có thể nắm bắt, vươn lên. Các cân đối vĩ mô quan trọng được giữ vững tạo điều kiện tốt để tiếp tục thực hiện các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế. Các hiệp định EVFTA và RCEP là thời cơ tốt để thúc đẩy thương mại trong tương lai.

Để tiếp tục duy trì ổn định, phát triển kinh tế, phấn đấu đạt kết quả cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn về kinh tế - xã hội. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý để duy trì đà phục hồi và kích thích tăng trưởng kinh tế; có giải pháp hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở báo cáo của Bộ KH&ĐT và chỉ đạo của Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền hoặc chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn, kích thích tổng cầu, tiêu dùng trong nước với trọng tâm là các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải… để đạt được “mục tiêu kép”, vừa hỗ trợ các ngành còn gặp khó khăn, vừa kích thích tăng trưởng, tạo việc làm cho người lao động. Cùng với đó, theo dõi sát diễn biến dịch ở các nước, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; chủ động phòng chống các loại dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm.

Giải pháp quan trọng là đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt thông tin kịp thời về các thị trường, sản phẩm còn dư địa khai thác trong bối cảnh đại dịch cũng như khả năng đáp ứng các hiệp định thương mại tự do quan trọng như CPTPP, EVFTA. Đánh giá tác động của RCEP đến các ngành, lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam khi Ấn Độ không tham gia Hiệp định; phổ biến thông tin rộng rãi về Hiệp định tới các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng của Hiệp định. Xây dựng kịch bản về chính sách thương mại trước sự thay đổi về chính trị của các quốc gia đối tác lớn.

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ từng dự án để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; rà soát, đôn đốc chủ đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính để giải quyết nhanh hồ sơ thanh toán, giải ngân, không để tồn đọng, thanh toán vào cuối năm.