Thấy gì từ việc 64 nhà thầu bị “bêu tên”?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thống kê cho thấy, năm 2021, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư đã thông báo 64 nhà thầu vi phạm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Trong đó có 14 nhà thầu có hành vi gian lận trong đấu thầu, bị cấm thầu từ 3 - 5 năm, phần lớn các nhà thầu bị “bêu tên” đều vi phạm tiến độ cam kết nên bị chấm dứt thực hiện hợp đồng.
64 nhà thầu vi phạm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có 14 nhà thầu có hành vi gian lận trong đấu thầu, bị cấm thầu từ 3 - 5 năm. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
64 nhà thầu vi phạm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có 14 nhà thầu có hành vi gian lận trong đấu thầu, bị cấm thầu từ 3 - 5 năm. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo phân tích của chuyên gia đấu thầu, trong số các nguyên nhân dẫn đến việc các nhà thầu bị liệt kê vào danh sách vi phạm, phải đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia thì việc thông đồng, móc ngoặc và gian lận trong đấu thầu là hành vi đáng lên án nhất. Kết quả thống kê của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, trong số 64 nhà thầu có tên trong các quyết định xử lý vi phạm của các chủ đầu tư, cấp có thẩm quyền năm 2021, có 14 nhà thầu bị cấm thầu 3 - 5 năm do cung cấp thông tin không trung thực, là hành vi bị cấm trong đấu thầu theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu.

So với năm 2020, số lượng nhà thầu bị công khai vi phạm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tăng 27 nhà thầu (năm 2020 có 37 nhà thầu), trong số đó nhà thầu gian lận hồ sơ dự thầu tăng 5 nhà thầu (năm 2020 có 9 nhà thầu).

Trong các nguyên nhân dẫn đến việc bị “bêu tên”, phổ biến nhất là tình trạng nhà thầu chậm thực hiện hợp đồng như đã cam kết, làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả dự án nên bị chấm dứt hợp đồng. Đáng chú ý, năm 2021 có 2 nhà thầu nhiều lần bị các chủ đầu tư “bêu tên” vì vi phạm tiến độ thực hiện hợp đồng là Công ty CP HQ Pro (14 lần) và Công ty CP Đầu tư xây lắp điện miền Bắc Việt Nam (10 lần).

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà thầu vi phạm cho biết, năm 2021 do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19, việc thực hiện hợp đồng của nhà thầu gặp nhiều khó khăn, một số máy móc thiết bị nhà thầu phải nhập khẩu để thực hiện gói thầu sau trúng thầu bị khan hiếm, nhà thầu không thể cung cấp hàng như đã ký trong hợp đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng gặp không ít khó khăn do nhà thầu có địa chỉ xa với chủ đầu tư, bị cách trở vì có thời gian dài phải khoanh vùng dập dịch, nhiều khó khăn của nhà thầu không được chủ đầu tư tháo gỡ kịp thời nên bị “tắc” trong khâu thực hiện. Đây cũng là nguyên nhân khiến số lượng nhà thầu bị chấm dứt thực hiện hợp đồng năm 2021 tăng cao so với các năm trước đó.

Bên cạnh đó, năm 2021 có 2 trường hợp nhà thầu không thực hiện bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bị chấm dứt hợp đồng, gồm: Công ty CP Thương mại xây dựng Gia Hưng (bị Xí nghiệp Xăng dầu Quảng Nam công khai vi phạm vào tháng 1/2021), Hộ kinh doanh Hưng Phát (bị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Lạc Dương, Lâm Đồng công khai vi phạm vào tháng 7/2021).

Năm 2021, có 6 nhà thầu bị “bêu tên” vì từ chối hoàn thiện, ký hợp đồng sau trúng thầu, bị phạt tiền (liên quan đến việc cung cấp gạo vào kho dự trữ quốc gia ở các khu vực Cục Dự trữ nhà nước khu vực Hà Bắc, Cục Dự trữ nhà nước khu vực Hà Nội), gồm: Công ty TNHH Phát Tài (bị phạt 280 triệu đồng); Công ty TNHH Thương mại Chương Tho (bị phạt 205 triệu đồng); Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam (bị phạt 112 triệu đồng); Công ty CP Thương mại Minh Khai (bị phạt 140 triệu); Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh (bị phạt 448 triệu đồng); Công ty CP Thương mại Cao Lạng (bị phạt 238 triệu đồng).

Ngoài ra, vào tháng 6/2021, Công ty TNHH MTV Khiêm Trí bị UBND huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang cấm thầu 1 năm do chuyển nhượng thầu bất hợp pháp 1,9 tỷ đồng giá trị khối lượng công việc tại Gói thầu Đường Bãi Đá Trắng xã An Sơn (giai đoạn 1), vi phạm Điểm a Khoản 8 Điều 89 Luật Đấu thầu.

Tin cùng chuyên mục