Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 1,5 ngày chất vấn tại Phiên họp thứ 36

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ diễn ra trong 2,5 ngày (từ 19/8 đến sáng 22/8), trong đó dành 1,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày chất vấn tại Phiên họp thứ 36
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày chất vấn tại Phiên họp thứ 36

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”; cho ý kiến về việc tổ chức Diễn đàn Quốc hội về hoạt động giám sát và xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2024.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; cho ý kiến về Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Từ ngày 21/8 đến hết sáng 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Trong đó, nhóm nội dung chất vấn thứ nhất liên quan đến 4 lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; tài nguyên và môi trường; văn hóa, thể thao và du lịch.

Nhóm nội dung chất vấn thứ hai liên quan đến 6 lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ được ủy quyền sẽ phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh 2,5 ngày làm việc chính thức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dự phòng 0,5 ngày để xem xét, quyết định việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (trong trường hợp Chính phủ có tờ trình, đề án gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội).