“Họ hiểu điều kiện đất nước không thể khác được nữa…”
Vào một buổi chiều cuối năm 2015, chúng tôi may mắn có cuộc phỏng vấn “độc quyền” khá bất ngờ với người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), vị “tư lệnh”ngành được báo chí dành nhiều giấy bút và thời lượng không chỉ trước thềm năm mới 2016 mà dường như trải suốt 5 năm nhiệm kỳ ông đảm nhận cương vị Bộ trưởng.
Thật khó để đúc kết trong một câu trả lời, nhưng dường như câu nói này của ông cho chúng tôi chạm đến câu trả lời cho lý do vì sao ông được yêu nhiều hơn ghét: “Để đổi mới không tránh được những đụng chạm tới lợi ích ngành này, ngành kia, cá nhân ai đó, nên họ phản đối. Bộ KH&ĐT đã phải chịu không ít áp lực này, cá nhân tôi còn chịu nhiều hơn khi làm luật. Nhưng tôi thấy tôi được yêu quý nhiều hơn là ghét. Tôi nói có căn cứ, ví dụ như các địa phương đều mong Bộ trưởng Bộ KH&ĐT tiếp tục thực hiện cải cách đầu tư công. Họ bị thít lại, nhưng họ hiểu điều kiện đất nước không thể khác được nữa…”.
Kinh tế 2016 và câu chuyện hội nhập
Sau những đánh giá về nền tảng quan trọng đạt được trong nhiệm kỳ 2011 - 2015 sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2016 và giai đoạn tiếp theo, chúng tôi bày tỏ mong muốn được Bộ trưởng chia sẻ câu chuyện triển vọng kinh tế trong năm mới 2016 cùng những thách thức và tác động của hội nhập.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: “Bên cạnh những thuận lợi, dự báo tốt, trong năm 2016, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức to lớn. Thứ nhất, đó là sự phục hồi chậm và bất ổn của kinh tế thế giới, những mối quan hệ, những vấn đề kinh tế… mà Việt Nam là một nền kinh tế mở, hội nhập nên mỗi biến động của kinh tế thế giới đều tác động trực tiếp đến nước ta. Ví dụ, giá dầu giảm là vấn đề của năm 2015 nhưng sang năm 2016 chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá dầu có thể tăng lên. Nếu giá dầu tiếp tục thấp, kinh tế nước ta vẫn gặp khó khăn. Thu ngân sách sẽ khó khăn, khai thác dầu khí cũng sẽ khó khăn.
Thách thức thứ hai của Việt Nam, ông nói: “là vấn đề phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN), doanh nghiệp (DN) hỗ trợ”. Mặc dù có sự phục hồi về số lượng nhưng chất lượng của DN lại “rất có vấn đề”. Nếu chúng ta không nâng cao chất lượng của DN tư nhân thì nền kinh tế của chúng ta sẽ không có được sự cạnh tranh, thiếu sự cạnh tranh - Bộ trưởng trăn trở.
Đánh giá cao đóng góp của DN FDI trong thời gian qua nhưng Bộ trưởng nhấn mạnh: “Muốn đất nước phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, chủ động thì DN Việt Nam, DN tư nhân phải chiếm vị trí xứng đáng và mang tính chất quyết định.”
Từng có những bài phát biểu “nảy lửa” và đã thành công trước Quốc hội trong việc bảo vệ nhiều chính sách có tư duy đột phá về cải cách, đổi mới trong những năm qua, nhưng Bộ trưởng cho biết, ông không kỳ vọng năm 2016 chúng ta tạo ra ngay được những đột phá lớn. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta vừa có một cái đà là Luật DN và Luật Đầu tư đang như động lực thúc đẩy DNNVV. Chúng ta phải tận dụng cơ hội này. Nếu năm 2016 mà vẫn tiếp tục để trôi qua những cơ hội, cứ để mọi thứ bình bình như vậy thôi thì không có đà cho năm tiếp theo. Đây là vấn đề rất quan trọng của năm 2016. Tôi nghĩ đây sẽ là năm đột phá cho sự phát triển của DN”.
“Điều đó cũng đồng nghĩa, Việt Nam muốn phát triển được, muốn hòa nhập được thì phải nâng cao năng suất lao động quốc gia và chỉ có như vậy chúng ta mới có thể nâng cao sức cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm, tạo ra thu nhập, vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đây không chỉ là thách thức cho riêng năm 2016, mà thách thức cho cả quá trình và nó đang đè nặng lên chúng ta” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Còn riêng năm 2016, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng có thêm một áp lực nữa là chúng ta hội nhập sâu rộng với khu vực và hội nhập quốc tế, theo đó AEC đã chính thức được thành lập và sẽ có sự tự do luân chuyển về hàng hóa, đầu tư và lao động có tay nghề cao. Năm 2016, nhiều FTA bắt đầu có hiệu lực. Chúng ta phải bước vào cuộc chơi với sự hội nhập cao hơn. Hội nhập là cạnh tranh, là mở cửa. Họ mở cửa cho mình, mình mở cửa cho họ. Mình có tận dụng được cơ hội để đưa hàng của mình sang, đầu tư sang họ nhiều hơn không, mình có thể nâng cao năng lực cạnh tranh để dù mở cửa thì hàng hóa của mình vẫn có thể cạnh tranh được với hàng hóa nước khác, xuất khẩu hàng ra nước ngoài? Đó là những áp lực không hề nhỏ. Tôi cho rằng, áp lực cạnh tranh vẫn lớn. Và đây chính là một trong những thách thức của năm 2016.
Rồi ông tiếp lời: “Cuối cùng, tôi muốn nói, năm 2016 là năm đầu tiên chúng ta chuyển sang một chính phủ mới, hay nói cách khác là xây dựng hệ thống chính trị mới. Tôi hy vọng theo xu thế thế hệ sau tốt hơn thế hệ trước, hy vọng bộ máy mới của cả hệ thống chính trị chúng ta bắt đầu từ năm 2016 sẽ hoạt động tốt hơn. Nói như vậy, nhưng chúng ta cũng có thách thức vì năm 2016 là năm đầu thực hiện chuyển giao giữa hệ thống cũ và hệ thống mới, nếu như không làm cho nó liên tục thì cũng sẽ tạo ra thách thức.
Việt Nam cần vượt qua những thách thức này để đạt được mức tăng trưởng, tăng trưởng bền vững và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Tăng trưởng trước đây chỉ chủ yếu dựa vào vốn, vào lao động và tài nguyên thì bắt đầu từ bây giờ, từ năm 2016 phải chuyển sang tăng trưởng bằng tăng năng suất lao động, bằng áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, để chúng ta có thể hội nhập, có thể cạnh tranh. Tăng trưởng phải dựa vào những điều đó. Tăng trưởng trước đây chỉ dựa vào vốn trong nước thì nay phải dựa vào vốn của cả thế giới. PPP là kêu gọi vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư vào phát triển hạ tầng Việt Nam, phải kêu gọi vốn của tư nhân trong và ngoài nước. Có như vậy mới có thể tạo ra sự tăng trưởng tốt hơn, cạnh tranh tốt hơn”.
Nhà nước kiến tạo phát triển chứ không phải cai trị
Đầy trăn trở, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ về việc chuyển đổi mối quan hệ giữa Nhà nước và DN với quan điểm Nhà nước có vai trò kiến tạo phát triển chứ không phải là cai trị.
Ông nói: “Sự tiến bộ của thế giới cũng kèm theo sự tiến bộ trong xây dựng bộ máy quản lý nhà nước ở các quốc gia, là tiến tới sự dân chủ trong lãnh đạo, quản lý đất nước. Đây là xu hướng của thế giới, xu hướng của nhân loại”.
Từng trải qua nhiều vị trí công tác, đảm nhận nhiều vai trò và trọng trách trong bộ máy nhà nước, nhưng cảm thông, chia sẻ với người dân trong từng ngõ ngách của cuộc sống, Bộ trưởng trải lòng: Người dân vừa rồi bày tỏ là “khi làm luật mà liên quan đến chúng tôi thì chúng tôi phải được thảo luận, chúng tôi phải được làm rõ”. Chúng ta vẫn làm quy trình có xin ý kiến của hiệp hội này, hiệp hội kia, nhưng mà kênh đó chưa đủ độ nặng, chưa đủ độ để người ta có thể tin cậy và bày tỏ chính kiến. Và tôi lo nhất là sự bàng quan của nhân dân đến mọi việc khi mình thực sự cần xin ý kiến họ thì họ vẫn theo thói quen cũ là họ không để tâm, thì đó là cái nguy hiểm. Một khi mà họ không quan tâm thực sự là điều nguy hiểm. Còn khi mà người dân còn phê bình, còn góp ý, họ còn viết đơn thư tức là họ còn tin mình, họ còn quan tâm đấy. Chứ khi mà họ chả cần quan tâm nữa thì đó mới là điều đáng lo ngại.
“Có thể nói đó là xu hướng của nhân loại. Cho nên, điều rất quan trọng là phải xây dựng được bộ máy nhà nước vì dân, vì DN. Nói như vậy có vẻ hơi sáo rỗng, nhưng chúng ta phải nhìn vào thực chất vấn đề là đất nước này phát triển được là nhờ ai? Không phải nhờ vào những ông bộ máy này nhiều đâu, tất nhiên họ rất quan trọng, gọi là một người lo bằng một kho người làm. Đúng, nhưng mà lực lượng đông đảo làm nên cách mạng, lực lượng đông đảo đóng góp cho sự phát triển của đất nước là DN và người dân. Chúng ta đang sử dụng thuế đóng của DN và của nhân dân để nuôi bộ máy này, để phát triển đất nước. Vậy thì, chúng ta là người phải quay trở lại phục vụ tốt nhất cho những người đã làm ra tiền của đó để cho bộ máy này hưởng và để cho đất nước này phát triển. Vậy thì, một nguyên lý đơn giản là anh phải nuôi dưỡng, phải tạo mọi điều kiện, anh sinh ra để phục vụ cho lực lượng này chứ không phải là cai trị lực lượng này”.
Ông khẳng khái: “Phải đánh giá được là những công chức nào, bộ nào, ngành nào, địa phương nào phục vụ tốt nhất cho mục đích đó thì đấy là bộ máy tốt; còn bộ máy mà hành dân, gây khó khăn cho DN, không có tiền chạy chọt, đút lót thì không thể lấy được giấy phép là bộ máy tồi! Không thể làm được điều này thì cản trở sự phát triển của đất nước và đi ngược lại với nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của bộ máy”.
Tư tưởng đi trước
Bộ KH&ĐT đã bảo vệ thành công nhiều luật như Đầu tư, DN,… với nhiều tư duy mới, trong đó Bộ trưởng Bùi Quang Vinh được đánh giá là một trong số người có công nâng vị thế DN, đặc biệt là vị thế và vai trò của DN tư nhân, trong quá trình cải cách, đổi mới của Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết:“Khi được xây dựng luật, thì Bộ KH&ĐT luôn đưa ra, chọn những lĩnh vực khó để làm, cách làm khó nhưng minh bạch và thể hiện tư tưởng đổi mới. Đó là, khi làm Luật Đầu tư và Luật DN sửa đổi, hai luật liên quan đến người dân và DN rất lớn, thì thay vì phương pháp “chọn cho” trước đây thì nay đã “chọn bỏ”. Mà truyền thống nhiều nước trên thế giới vẫn đang “chọn cho”, nhiều hiệp định song phương, đa phương của Việt Nam và quốc tế vẫn theo phương án “chọn cho”, có nghĩa là hai bên thống nhất cho nhau cái gì thì ghi vào trong luật, còn cái gì chưa ghi vào trong luật là chưa cho, mà chưa cho thì phải xin. Cái đấy còn nhiều lắm. Và như vậy thì tiêu cực đẻ ra rất nhiều. Cái gì đụng đến cũng phải xin. Còn bây giờ làm ngược lại là điều vô cùng khó. Đó là cấm cái gì thì ghi vào trong luật, còn cái gì không cấm có nghĩa là DN, người dân được làm, không phải xin ai cả. Họ cứ nhìn trong luật thấy cái cấm thì tránh ra, hoặc là trong luật ghi cái đó là kinh doanh có điều kiện thì phải tạo đủ điều kiện rồi mới làm. Nhưng mà điều kiện đấy cũng công khai, minh bạch”.
Nhằm tạo tiền đề cho việc cải cách toàn diện trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ tiếp câu chuyện làm thế nào để triển khai hiệu quả tư duy mới trong môi trường đầu tư, kinh doanh “chọn bỏ” thay vì “chọn cho”.
Ông nói rất chân tình: Nhưng nói như vậy thì dễ, mà làm thì quá khó. Bởi vì chọn điều kiện là gì? Ngành nào có điều kiện? Rồi cái nào cấm, cái nào không cấm? Không đơn giản, bởi vì trong khi chúng ta vẫn đang cam kết với quốc tế theo kiểu “chọn cho” mà chúng ta muốn làm ngược trở lại thì cũng chưa có điều kiện, bởi chưa thảo luận được với họ. Cho nên là không phải đơn giản đâu. Nhưng mà, chúng ta đã làm theo cách khó nhất, đã lăn xả vào để làm, để công khai được. Đến nay, đã hoàn chỉnh được các nghị định, thông tư để công khai toàn bộ các vấn đề về Luật Đầu tư và Luật DN. Tôi có thể nói là đã công khai, hoàn chỉnh. Nhưng mà trong quá trình làm có thể còn thiếu sót, có thể còn sơ suất thì phải cập nhật, bởi vì đây không phải là mảng của riêng Bộ KH&ĐT mà là của tất cả các bộ, ngành. Các bộ quản lý nhà nước thì họ mới ra điều kiện cho ngành này, ngành kia được. Cho nên, phải phối hợp chặt chẽ để cập nhật cái nào “cấm”, cái nào “có điều kiện”, cũng như là từ cái “có điều kiện” chuyển sang cái “không có điều kiện”.
“Đấy là một sự thể hiện tư tưởng thượng tôn pháp luật. Nhưng rõ ràng là không đơn giản, đầy rẫy những khó khăn để mà làm được các luật như vậy. Phải nói là Bộ KH&ĐT đã cố gắng làm theo cách đó, Chính phủ và Quốc hội chấp nhận. Tôi nghĩ rằng DN và người dân cũng đón nhận. Đó là một hướng đi đúng và các luật pháp tương tự như vậy cũng sẽ phải làm theo con đường này, con đường minh bạch, con đường rõ ràng để hạn chế tiêu cực, để ở các cấp người ta đọc luật thấy dễ hiểu và các địa phương làm giống nhau” - Bộ trưởng khẳng định.
Hoàn thiện thể chế, trọng dụng được người tài
Dường như điều ông trăn trở nhất là thể chế. Gần đi hết nhiệm kỳ, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tâm huyết chia sẻ quan điểm, tư duy và yêu cầu mới về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
Ông nói: “Công cuộc đổi mới của đất nước Việt Nam đã trải qua 30 năm. Và có thể nói rằng điều then chốt nhất, lớn nhất của đổi mới trong 30 năm qua đó chính là chúng ta đã chuyển được nền kinh tế từ kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chính nó đã tạo ra rất nhiều động lực để tăng trưởng, xã hội phát triển như ngày hôm nay. Nhưng trong 5 - 7 năm vừa qua, chúng ta bắt đầu nhận thấy rằng những động lực của sự đổi mới đó ngày càng tới hạn, có nghĩa là những động lực tạo ra do đổi mới, chuyển đổi đó rất to lớn nhưng nó cũng đã tới thời hạn của nó. Nó đã bão hòa rồi. Và bây giờ trên nền của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì Việt Nam phải làm nhiều hơn thế rất nhiều về đổi mới, cải cách thể chế, mới có thể tạo ra, tiếp tục được những xung lực mới cho tăng trưởng. Còn nếu như chúng ta không đổi mới được thể chế, không tạo ra những động lực mới cho phát triển thì Việt Nam sẽ bị giảm nhịp độ tăng trưởng ngay và có rất nhiều vấn đề sẽ đặt ra cho chúng ta. Đó là, thứ nhất, những động lực của thể chế trước đây đã cạn, hết dư địa, trong khi còn rất nhiều dư địa khác chúng ta lại chưa khai thác được. Đó là, chúng ta mới “chạm chân” vào nền kinh tế thị trường thôi, chưa phải các nhân tố của thị trường đã được phát triển một cách đầy đủ. Đấy là vấn đề rất cốt lõi của cải cách thể chế kinh tế thị trường”.
Bộ trưởng thẳng thắn: Thị trường đất đai của ta chưa phải là kinh tế thị trường. Tất cả các nghiên cứu trong nước và quốc tế đều khẳng định “thị trường đất đai của Việt Nam rất méo mó”… Và chúng ta phải có một thị trường minh bạch về đất đai, giao dịch đất đai phải minh bạch.
Thị trường lao động cũng như vậy, Bộ trưởng khẳng định. Thị trường lao động của chúng ta chưa hoàn toàn là một thị trường lao động đúng theo nghĩa của nó. Sự chuyển dịch lao động vẫn còn rất nhiều rào cản, cơ chế vận hành để quản lý và khai thác lao động chưa tốt… Phải làm sao để có một thị trường luân chuyển, có thể nhận vào dễ dàng và thải ra cũng dễ dàng, có thể trọng dụng được người tài trong tất cả mọi cấp độ, từ cơ quan nhà nước cho đến các DN nhà nước, DN tư nhân và tất cả mọi thành phần kinh tế; làm sao để có động lực thúc đẩy cho sự dịch chuyển lao động. Sự chuyển dịch lao động ở nước ta đang bị rào cản bởi hộ khẩu, hộ tịch.
Cuối cùng, ông nói: “Tôi có thể nói rằng đó là những vấn đề Việt Nam phải đổi mới. Đổi mới thứ nhất chính là hoàn thiện hơn nữa thể chế kinh tế thị trường, những yếu tố, nhân tố thị trường. Đấy là vấn đề rất quan trọng. Và nó mới là bền vững, nó mới tiếp tục tạo ra động lực để tiếp tục thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển tốt hơn, và khai thác được nhiều nguồn lực trong các thành phần kinh tế. Vì chỉ có thể có hiệu quả nếu như nguồn lực của đất nước, kể cả vốn liếng, đất đai và tài nguyên được phân bổ theo cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường là gì? Là ai, thành phần nào sử dụng nguồn lực này hiệu quả nhất thì người đó, thành phần đó sẽ được tiếp cận, sử dụng nguồn lực ấy. Chúng ta hiện nay không phải hoàn toàn như vậy, có nhưng không phải hoàn toàn như vậy”.