Việc xây dựng chính sách kinh tế tuần hoàn giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến, đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên |
Theo Bộ KH&ĐT, trong những năm qua các quốc gia trên thế giới đang quan tâm hơn đến mô hình KTTH. Dù đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Từ năm 2020, Bộ KH&ĐT đã chủ động đề xuất thực hiện những nghiên cứu cơ bản và tham vấn chuyên gia, nhà đầu tư về KTTH. Trên cơ sở tham mưu của Bộ KH&ĐT, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam. Tuy nhiên, để tạo dựng “sức sống” cho các chính sách phát triển KTTH thì cách tiếp cận tuần tự, truyền thống là không đủ. Bối cảnh phục hồi kinh tế cần có thêm động lực từ chính nỗ lực thúc đẩy “phục hồi xanh”. Theo đó, một nhiệm vụ quan trọng để sớm cụ thể hóa các định hướng này là xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH được giao cho Bộ KH&ĐT chủ trì, trình Chính phủ vào quý II/2023.
Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH đề xuất 6 nội dung chính sách, gồm: khu công nghiệp, khu kinh tế; phân loại xanh; ưu đãi thuế; tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; tín dụng xanh, trái phiếu xanh; đào tạo lao động; đất đai.
Mục tiêu tổng quan xây dựng chính sách là để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm sớm thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến KTTH, đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, phục hồi xanh ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, việc tổng kết thi hành Nghị định sẽ tạo điều kiện cho việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho KTTH tại Việt Nam.