Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 31/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Dự toán thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 cả nước tăng khoảng 9 - 11% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020
Dự toán thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 cả nước tăng khoảng 9 - 11% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020

Phấn đấu GDP 2021 tăng khoảng 7%

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và dự báo tình hình trong nước, khu vực và thế giới trong giai đoạn tới tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; từ đó xác định mục tiêu phát triển của kế hoạch năm 2021 phù hợp với mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Chỉ thị nêu rõ, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 xây dựng trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường như cạnh tranh chiến lược, căng thẳng thương mại giữa các nước; tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm hơn; cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống; các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng về cả tác động và cường độ; dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid-19... Trong nước, tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng lên...

Trong giai đoạn 2021 - 2025, nền kinh tế sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ những yếu kém nội tại chưa và chậm được khắc phục cũng như các vấn đề xã hội - môi trường gây áp lực lớn đến phát triển kinh tế - xã hội như già hóa dân số, chênh lệch giàu nghèo, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn...

Chỉ thị xác định mục tiêu chủ yếu và một số cân đối lớn. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của cả nước năm 2021 tăng khoảng 7%; đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, căn cứ tình hình thực tế xây dựng phương án tăng trưởng của ngành, lĩnh vực và địa phương hợp lý và phù hợp; đề xuất một số chỉ tiêu cơ bản của bộ, ngành và địa phương cho năm 2021.

Chỉ thị nêu rõ các định hướng, nhiệm vụ chính. Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cụ thể hóa các cơ chế, giải pháp, chính sách để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Cơ chế, giải pháp, chính sách phải bảo đảm sự thống nhất về các nguyên tắc, mục tiêu chung, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành và từng địa phương.

Đánh giá sát khả năng thu ngân sách năm 2020 làm cơ sở xây dựng dự toán 2021

Về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Chỉ thị nêu rõ, trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức lớn của năm 2020, cần phân tích, dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước để đánh giá sát khả năng thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2020 làm cơ sở xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021, đặc biệt là các thách thức từ nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu do tác động của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các nhân tố tác động khác làm thay đổi tình hình sản xuất - kinh doanh, đầu tư, phát triển của doanh nghiệp, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu.

Đồng thời, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, quản lý thu, gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, chống chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế;…

Chỉ thị đặt mục tiêu phấn đấu dự toán thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 (đã dự kiến các tác động điều chỉnh chính sách thu theo các chủ trương hiện hành) bình quân chung cả nước tăng khoảng 9 - 11% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020. Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021 tăng bình quân khoảng 4 - 6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020.

Dự toán thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tiếp tục được xây dựng trên cơ sở kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất, phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; chủ động rà soát các chính sách, nhiệm vụ trùng lắp, kém hiệu quả, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2021 để hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn ngân sách nhà nước được phân bổ và các nguồn huy động hợp pháp khác. Chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành. Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước…