Bản tin thời sự sáng 12/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá vé máy bay bất ngờ giảm mạnh; Ngân hàng Nhà nước hút 15.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu; giá USD tự do lên mức kỷ lục 25.700 đồng; Bộ Công an đề xuất đấu giá biển số xe máy; giá cà phê tăng vọt…

Giá vé máy bay bất ngờ giảm mạnh

Lý do là thị trường nội địa bước vào giai đoạn thấp điểm sau Tết nên giá vé máy bay rẻ hơn, thậm chí mức giá chặng bay Hà Nội –-TP.HCM giảm mạnh so với nửa tháng trước.

Giá vé máy bay đi TP.HCM "hạ nhiệt" trong đợt thấp điểm

Giá vé máy bay đi TP.HCM "hạ nhiệt" trong đợt thấp điểm

Trước đó, vào thời điểm ngày 26/2, vé máy bay nội địa ở mức cao dù đã hết kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán. Lúc bấy giờ, trung bình các chặng bay từ Hà Nội, Vinh (Nghệ An), Hải Phòng - TP.HCM có giá một chiều neo ở mức từ 3,5 - 7 triệu đồng. Thậm chí, nếu bay nối chuyến, hành khách phải bỏ ra số tiền hơn chục triệu đồng/lượt.

Hiện nay, giá vé máy bay bắt đầu giảm nhiệt khi các chặng bay nội địa bước vào giai đoạn thấp điểm. Theo khảo sát ngày 11/3, vé đi một chiều trong ngày chặng Hà Nội - TP.HCM chỉ ở mức từ 2,5 triệu đồng và còn nhiều chỗ trống.

Vietnam Airlines niêm yết giá vé khứ hồi cho chặng bay kể trên trong đợt cuối tuần từ ngày 15 - 17/3 chỉ ở mức 3,8 triệu đồng. Hai hãng bay Vietjet Air và Bamboo Airways lần lượt có giá vé 3,9 triệu đồng và 3,6 triệu đồng.

Tương tự với các chặng Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh - TP.HCM, vé khứ hồi các dịp cuối tuần từ giữa tháng 3 ở mức 3 triệu đồng. Chỉ mới 15 ngày trước, những đường bay này liên tục hết vé hoặc chỉ còn hạng thương gia dù du khách có nguyện vọng đặt trước cả tuần.

Đối với những chặng du lịch, giá vé khứ hồi từ Hà Nội - Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc đều ghi nhận giảm mạnh. Trong số đó, vé khứ hồi Hà Nội - Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt lần lượt có giá từ 3,4 triệu đồng, 3,5 triệu đồng và 3,6 triệu đồng.

Trao đổi với một số đại lý, nguyên nhân việc giá vé máy bay giảm mạnh do thị trường nội địa bắt đầu bước vào giai đoạn thấp điểm. Theo dự kiến, trừ giai đoạn nghĩ lễ 30/4 - 1/5, trung bình giá vé máy bay đều phải chăng ở tất cả chặng nội địa. Tuy nhiên, giá vé sẽ tăng cao trở lại vào đợt cao điểm hè từ tháng 6 hằng năm.

Ngân hàng Nhà nước hút 15.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu

Phiên giao dịch 11/3, Ngân hàng Nhà nước đã chào bán tín phiếu trở lại sau hơn 4 tháng tạm dừng.

Ngân hàng Nhà nước chào bán tín phiếu trở lại sau 4 tháng tạm ngưng

Ngân hàng Nhà nước chào bán tín phiếu trở lại sau 4 tháng tạm ngưng

Nhà điều hành tiền tệ đã hoàn thành đợt phát hành gần 15.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất, phiên ngày 11/3.

Kết quả, 6/18 thành viên tham gia trúng thầu. Mức lãi suất trúng thầu là 1,4%/năm. Số tiền hút về qua kênh tín phiếu sẽ được bơm trả ra thị trường liên ngân hàng sau 28 ngày, kể từ lúc phát hành.

Sau động thái đấu thầu tín phiếu, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng chưa thay đổi. Lãi suất qua đêm VND vẫn ở mức thấp (0,77%), qua đó chênh lệch lãi suất VND và USD gần như không đổi so với trước khi Ngân hàng Nhà nước gọi thầu tín phiếu. Điều này phần nào cho thấy thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng vẫn đang dồi dào.

Hoạt động bơm, hút tiền qua kênh tín phiếu là nghiệp vụ thông thường của Ngân hàng Nhà nước tác động đến lượng tiền trên thị trường liên ngân hàng (nơi các nhà băng cho vay lẫn nhau), không lưu thông trên thị trường dân cư. Lần gần nhất nhà điều hành hút tiền qua kênh tín phiếu là vào giai đoạn tháng 9 - 11/2023, trong bối cảnh tỷ giá USD/VND chịu nhiều áp lực.

Giá USD tự do lên mức kỷ lục 25.700 đồng

Trong khi tỷ giá chính thức hạ nhiệt, giá USD trên thị trường tự do ngày 11/3 tăng mạnh, lên mức kỷ lục 25.700 đồng.

Giá USD tự do lên mức kỷ lục 25.700 đồng

Giá USD tự do lên mức kỷ lục 25.700 đồng

Ngày 11/3, các điểm thu đổi ngoại tệ tăng mạnh giá bán USD thêm 150 đồng so với ngày 10/3, lên 25.700 đồng mỗi USD. Chiều mua vào tăng thấp hơn khoảng 30 đồng, lên 25.500 đồng.

Diễn biến tỷ giá tự do đang trái chiều với thị trường chính thức. Ngày 11/3, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm 23.972 đồng, giảm mạnh 24 đồng so với cuối tuần trước. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 22.773 - 25.170 đồng.

Tỷ giá tại các ngân hàng hiện cũng trong xu hướng đi ngang và giảm nhiệt so với tuần trước. Vietcombank giảm 30 đồng cả hai chiều xuống 24.440 - 24.810 đồng. BIDV giữ nguyên giá mua bán USD tại 24.500 - 24.810 đồng. Tại Eximbank, giá mua bán USD cũng dao động 24.410 - 24.800 đồng.

Theo đó, mỗi USD ngân hàng bán ra đang thấp hơn thị trường tự do gần 900 đồng, còn chiều mua vào thấp hơn khoảng 1.050 đồng .

Trên thị trường quốc tế, sức mạnh của đồng bạc xanh cũng đang suy giảm, trước các thông điệp cho thấy khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong năm nay. Chỉ số USD Index đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh đã giảm 1,37% trong tháng qua.

Giá USD trong nước, đặc biệt là thị trường tự do "nóng" lên gần đây, theo nhận định của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) có thể liên quan đến diễn biến giá vàng.

Bộ Công an đề xuất đấu giá biển số xe máy

Cùng với thí điểm đấu giá biển số ôtô, Bộ Công an đề xuất mở rộng đấu giá biển số môtô, xe máy với mức khởi điểm 5 triệu đồng, mỗi lần trả giá chênh lệch 500.000 đồng.

Chiếc xe máy mang biển số tứ quý 8 tại Hà Tĩnh

Chiếc xe máy mang biển số tứ quý 8 tại Hà Tĩnh

Việt Nam đang có khoảng 65 triệu xe máy lưu hành. Đây là phương tiện di chuyển chính của đa số người dân. Vì vậy, việc mở rộng đấu giá biển số xe máy được Bộ Công an cho rằng sẽ tăng thu ngân sách và tạo thuận lợi cho người dân sử dụng biển số đẹp.

Cùng với mở rộng đấu giá biển số gồm cả ôtô, môtô, xe máy, Bộ Công an cũng đề xuất bổ sung quyền của người trúng đấu giá được đăng ký biển số xe tại nơi quản lý biển số xe trúng đấu giá hoặc nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức trúng đấu giá.

Tháng 11/2022, Quốc hội thông qua nghị quyết thí điểm đấu giá trực tuyến biển số ôtô, với giá khởi điểm 40 triệu đồng, bước giá 5 triệu đồng. Số tiền thu được sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức sẽ nộp vào ngân sách trung ương.

Từ tháng 9/2023 đến nay, 15.100 biển số ôtô được đấu giá thành công, với tổng tiền hơn 2.000 tỷ đồng; trong đó 14.000 biển số đã được khách hàng nộp tiền, với 1.395 tỷ đồng.

Giá cà phê tăng vọt

Giá cà phê nhân hiện lên 91.200 đồng một kg, tăng 12% chỉ trong 10 ngày đầu tháng 3 và tăng 30% so với 2 tháng trước đó.

Cà phê tại nhà vườn ở Gia Lai

Cà phê tại nhà vườn ở Gia Lai

Ghi nhận tại các thủ phủ cà phê cho thấy trong 8 ngày đầu tháng 3, giá cà phê nhân liên tục tăng, có lúc lên mốc kỷ lục 92.000 đồng một kg, cao hơn 10.000 đồng (khoảng 12%) so với cuối tháng 2. Chốt phiên 11/3, giá cà phê đạt mức bình quân 91.200 đồng một kg.

Trên diễn đàn kinh doanh cà phê, người trồng và thương lái cho biết khá bất ngờ vì giá mặt hàng này tăng đột biến. Cuối tháng 12/2023, giá cà phê nhân xô còn quanh mốc 70.000 đồng một kg, nay tăng gần 30% so với cuối năm ngoái.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đăk Lăk, giá tăng đột biến do nhu cầu trên thị trường thế giới cao. Giá cà phê trong nước đang tăng"sốc" theo diễn biến quốc tế nhiều ngày qua.

Cụ thể, giá cà phê Robusta trên sàn London đã tăng gần 200 USD một tấn lên 3.381 USD cho kỳ hạn giao tháng 5. Phiên giao dịch cà phê Robusta trên sàn London ngày 10/3 lập đỉnh mới khiến giới kinh doanh cà phê bất ngờ.

Theo dự báo của hiệp hội này, niên vụ 2023 - 2024, sản lượng cà phê Việt Nam giảm 10% do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, người nông dân chuyển sang đầu tư các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, cây ăn trái.

Tương tự, những nước sản xuất cà phê lớn như Brazil, Indonesia, Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng do mất mùa, sản lượng giảm khoảng 10 - 15%.

Trong 45 ngày đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gần 295.000 tấn, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái và thu về 911 triệu USD. Bình quân mỗi tấn cà phê khoảng 3.100 USD, tăng 43% so cùng kỳ 2023. VICOFA dự báo, năm nay xuất khẩu cà phê có thể đạt 4,5 - 5 tỷ USD.

Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 4,24 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2022 và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Doanh nghiệp kiến nghị giảm thuế xuất khẩu phân bón về 0%

Các nhà sản xuất phân bón muốn giảm thuế xuất khẩu về 0% trong bối cảnh dư thừa hàng trăm triệu tấn mỗi năm, nhưng Bộ Tài chính không đồng ý.

Các nhà sản xuất phân bón muốn giảm thuế xuất khẩu về 0%

Các nhà sản xuất phân bón muốn giảm thuế xuất khẩu về 0%

Góp ý dự thảo Nghị định về biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị áp thuế xuất khẩu 0% với phân bón ure và supe lân, thay vì mức 5% hiện hành. Nguyên nhân, theo hiệp hội này, năng lực sản xuất trong nước đang dư thừa so với nhu cầu.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam cần 1,7 - 2 triệu tấn, thấp hơn 23 - 35% mức sản xuất của 4 nhà máy Đạm Phú Mỹ, Cà Mau, Hà Bắc và Ninh Bình. Tức là, sản xuất trong nước đang dư thừa, buộc doanh nghiệp phải xuất khẩu để duy trì công suất.

Tuy nhiên, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, mức thuế xuất khẩu 5% hiện tại làm giảm cơ hội, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Thuế cao cũng hạ năng lực cạnh tranh của sản phẩm ure Việt Nam so với các nước trong khu vực, thế giới. Chẳng hạn, mặt hàng này đang chịu cạnh tranh bởi sản phẩm từ Indonesia, Malaysia, Brunei - nơi không chịu thuế 5% như Việt Nam.

Còn nhu cầu sản phẩm supe lân sản xuất trong nước được sử dụng trực tiếp và để sản xuất NPK lần lượt là 500.000 tấn và 600.000 tấn một năm. Mặt hàng này cũng dư thừa hàng triệu tấn mỗi năm, khi sản xuất của 4 nhà máy đạt khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn.

Theo Hiệp hội, việc xuất khẩu phân supe lân cần được khuyến khích để tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm cho lao động, thu ngoại tệ, nộp thuế.

Ngoài ra, Hiệp hội và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng đề nghị áp thuế xuất khẩu 0% với mặt hàng kali sulphate (K2SO4, tên thương mại SOP), để khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất mặt hàng mới này.

Phản hồi các đề xuất trên, Bộ Tài chính bác đề xuất giảm thuế này, và cho biết tiếp tục trình Chính phủ giữ nguyên mức 5% với phân bón ure, supe lân. Mức thuế 0% được đề xuất với phân NPK, DAP. Quan điểm này nhận được thống nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thay vào đó, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ bỏ quy định áp thuế xuất khẩu theo giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng. Việc này nhằm tránh phát sinh chi phí theo dõi kê khai, kiểm tra chứng từ sổ sách.

Bình Định yêu cầu điều tra nhanh vụ tai nạn lao động trên dự án đường bộ cao tốc

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh này đẩy nhanh việc giải quyết vụ tai nạn lao động khi thi công Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Phù Mỹ.

Khu vực xảy ra vụ tai nạn làm 2 công nhân ở tỉnh Bình Định bị vùi lấp tử vong (tháng 8/2023)

Khu vực xảy ra vụ tai nạn làm 2 công nhân ở tỉnh Bình Định bị vùi lấp tử vong (tháng 8/2023)

Trước đó, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải có văn bản về việc đẩy nhanh việc triển khai, hoàn thiện công tác nghiệp vụ và sớm hoàn trả lại mặt bằng thi công tại phạm vi đoạn tuyến công trình xảy ra sự cố tai nạn lao động thuộc Dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Công an Tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung đẩy nhanh giải quyết vụ tai nạn lao động thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Phù Mỹ để sớm bàn giao lại mặt bằng triển khai thi công đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án.

Trước đó, ngày 8/11/2023, trong lúc thi công hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ thì 2 công nhân của Công ty TNHH Thuận Hưng (đóng ở tỉnh Bình Định) bị đất đá vùi lấp dẫn đến tử vong. Sau đó, Công an tỉnh Bình Định đã giao Công an huyện Phù Mỹ điều tra vụ việc.

Sáng ngày 11/3, Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Định cho biết, hiện Công an Tỉnh đã yêu cầu Công an huyện Phù Mỹ báo cáo tiến độ điều tra vụ tai nạn lao động xảy ra tại xã Mỹ Hiệp.

Dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn có tổng chiều dài tuyến hơn 70 km đi qua tỉnh Bình Định. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 12.401 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông vận tải) làm Chủ đầu tư. Dự án được khởi công vào ngày 1/1/2023 và dự kiến hoàn thành vào 31/12/2025.

Doanh nghiệp dệt may bị dừng thủ tục hải quan do nợ thuế

Công ty Dệt may Gia Định bị dừng thủ tục hải quan do khoản nợ thuế gần 100 tỷ đồng quá hạn 90 ngày.

Công ty Dệt may Gia Định bị dừng thủ tục hải quan do khoản nợ thuế gần 100 tỷ. Ảnh minh họa

Công ty Dệt may Gia Định bị dừng thủ tục hải quan do khoản nợ thuế gần 100 tỷ. Ảnh minh họa

Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan TP.HCM) đầu tháng 3 ban hành quyết định cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan với hàng hóa xuất, nhập khẩu của Công ty CP Dệt may Gia Định. Quyết định được ban hành từ đề nghị của Cục Thuế TP.HCM.

Quyết định cưỡng chế có hiệu lực trong một năm từ 6/3 và sẽ chấm dứt khi doanh nghiệp nộp đủ vào ngân sách nhà nước.

Dệt may Gia Định hoạt động từ năm 2010, từng là một trong số ít doanh nghiệp dẫn đầu ngành dệt may của TP.HCM. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, sản xuất xuất khẩu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp trong ngành. Cùng ngày, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư cũng có quyết định cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan với Công ty TNHH May mặc xuất khẩu DAH Sheng. Công ty này nợ thuế quá hạn 90 ngày hơn 2 tỷ đồng.

Năm 2023, ngành dệt may gặp thách thức từ nhiều yếu tố như lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, châu Âu... dẫn đến đơn hàng sụt giảm mạnh.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 40,3 tỷ USD, thấp hơn 10% so với năm trước và cách xa mục tiêu 47 - 48 tỷ USD đặt ra ban đầu. Năm nay, ngành đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng hơn 9% so với năm trước.

Tin cùng chuyên mục