Cần nhiều nỗ lực kéo GDP quý II

Bức tranh lợi nhuận kém sáng sủa cùng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp của các doanh nghiệp xuất khẩu cho thấy xu hướng khó khăn trong tăng trưởng xuất khẩu nói riêng và tổng thể nền kinh tế vĩ mô nói chung.
5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 6,6%, trong khi mục tiêu đặt ra là tăng 10%
5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 6,6%, trong khi mục tiêu đặt ra là tăng 10%

GDP quý II có thể tăng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái

Số liệu công bố tình hình sản xuất - kinh doanh và báo cáo tài chính quý I/2016 với lợi nhuận và doanh thu sụt giảm của nhiều doanh nghiệp thủy sản hàng đầu như CTCP Thủy sản Hùng Vương, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú…, cho thấy tình hình khó khăn lĩnh vực xuất khẩu quan trọng này của Việt Nam. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trong các lĩnh vực then chốt như vật liệu xây dựng, sắt thép, nông sản (sắn, đường, hạt điều, gạo…) cùng chung tình cảnh.

Theo số liệu vừa công bố của Bộ Công thương, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015, trong khi mục tiêu đặt ra là tăng 10%. Kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt 66,3 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2015.

5 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất tăng 7,5% so với 5 tháng đầu năm 2015, mức tăng này thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái (9,2%). Theo Bộ Công thương, tốc độ tăng trưởng của nhiều ngành công nghiệp chủ lực suy giảm như khai khoáng, khai thác dầu thô và khí đốt, chế biến, chế tạo.

Bộ Công thương dự báo, trong những tháng tới, nếu giá dầu thô phục hồi, kéo theo sự tăng giá các nguyên nhiên vật liệu đầu vào, sẽ làm tăng thêm khó khăn cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên, ngành khai thác có thể hồi phục, kéo theo tốc độ tăng trưởng công nghiệp trong những tháng tới tăng lên, nhưng mức tăng sẽ không cao.

Thực tế hoạt động xuất khẩu kém khả quan phản ánh sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu nông sản và thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp. 

Ẩn số lãi vay và thuế, phí

Một trong những nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp thủy sản trong những tháng đầu năm sụt giảm là do chi phí lãi vay lớn. Với mức lãi suất vay ngân hàng bình quân từ 8 - 10%/năm phải trả cho các khoản vay lớn để đầu tư cho sản xuất và trang trải các khoản nợ ngắn hạn, các doanh nghiệp thủy sản và hầu hết doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác đều đang phải chịu chi phí lãi suất cao, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm duy trì ở mức cao, với 28.582 doanh nghiệp, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh bội chi ngân sách đang ngày càng lớn, làm gia tăng áp lực nợ công, dự kiến một số loại thuế, phí sẽ tăng, tạo thêm “gánh nặng” cho các doanh nghiệp khi phải gia tăng các khoản chi phí.

Để đảm bảo giữ vững và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, mấu chốt quan trọng là phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để tạo động lực phát triển cho nền kinh tế.

Theo đó, cần nhanh chóng triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt, tìm hướng giảm lãi suất, rà soát giảm các loại thuế, phí để giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục