Có một làng quê của những danh nhân ven sông Tô

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiếm có nơi nào như xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội - dải đất nằm ven sông Tô Lịch - là quê hương của hai bậc danh nhân nổi tiếng về võ công và văn trị trong lịch sử dân tộc.
Đình thờ lão tướng Phạm Tu
Đình thờ lão tướng Phạm Tu

Đó là Long Biên Hầu - Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu (476 - 545), người ghi dấu ấn đặc biệt trong công cuộc giành lại nền tự chủ của dân tộc thời vua Lý Nam Đế lập nên Nhà nước Vạn Xuân năm 544 và “Vạn thế sư biểu” Chu Văn An (1292 - 1370), Tư nghiệp Quốc Tử Giám thời Trần, người thầy giáo mẫu mực của muôn đời, người Việt Nam thứ tư (cùng với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh) được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh.

Lão tướng “Cự Bắc - Bình Nam”

Ngay từ khi còn nhỏ, nhiều thế hệ học trò quê tôi đã được các bậc cao niên kể về danh tướng Phạm Tu với những truyền thuyết và niềm tự hào, thành kính… Tương truyền, Phạm Tu sinh ngày 10 tháng 3 năm Bính Thìn (476) ở thôn Vực Mụ, từ nhỏ đã lộ rõ vẻ phương phi, tuấn tú, chăm đọc sách, học giỏi, đàn sáo hay. Đặc biệt, ông năng luyện võ, sức khỏe hơn người. Dân trong vùng thường gọi là “Đô Tu” với tấm lòng ngưỡng mộ. Sinh ra giữa thời đất nước chịu ách đô hộ của giặc phương Bắc, Phạm Tu sống ẩn dật, nung nấu chí cứu nước, chờ thời cơ. Ông từng khuyên dân “cửu niên tam tích” - “cửu niên” với nghĩa là “lâu dài, nhiều năm”, “tam tích” là tích trữ ba thứ: lương thực, quần áo, vũ khí… để luôn sẵn sàng khi thời cơ đến thì vùng lên giành lại non sông.

Cuối năm Tân Dậu (541), Lý Bí lãnh đạo nhân dân khởi binh chống lại ách đô hộ của nhà Lương. Lúc đó, Phạm Tu đã 66 tuổi nhưng vẫn trực tiếp chiêu mộ trai tráng trong vùng, tổ chức luyện tập ngày đêm rồi tham gia quân khởi nghĩa chống giặc. Từ đó, Phạm Tu cùng Tinh Thiều, Triệu Túc làm thành bộ tham mưu giúp Lý Bí đánh đâu thắng đấy. Trong vòng chưa đầy 3 tháng, quân khởi nghĩa đã tiến công đánh chiếm thành Long Biên, thủ phủ đô hộ của chính quyền nhà Lương thời đó. Thứ sử nhà Lương là Tiêu Tư vô cùng khiếp sợ phải bỏ chạy về Quảng Châu. Quân đô hộ đã bị quét sạch ra khỏi bờ cõi nước ta. Nhà Lương tức tối sai Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng đem quân sang đánh chiếm lại. Lý Bí cùng bộ tham mưu bàn bạc, chủ động đem quân đón đánh giặc ở bán đảo Hợp Phố. Quân Lương bị chặn đánh tiêu diệt gần hết, Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng buộc phải tự tử vì thua trận.

Đám rước ngày hội làng qua trước cửa đình thờ Tiên triết Chu Văn An

Đám rước ngày hội làng qua trước cửa đình thờ Tiên triết Chu Văn An

Cùng thời gian này, vua nước Lâm Ấp ở phía Nam lợi dụng nghĩa quân của Lý Bí phải chống trả quân Lương đã huy động lính cướp phá quận Nhật Nam (vùng Quảng Bình ngày nay). Trước tình hình này, lão tướng Phạm Tu chỉ huy quân sĩ đánh tan quân Lâm Ấp ngay ở quận Cửu Đức (vùng Hà Tĩnh ngày nay). Vua Lâm Ấp phải bỏ chạy về bên kia dãy Hoành Sơn. Sau chiến tích này, Phạm Tu được Lý Bí ban tặng bốn chữ “Cự Bắc - Bình Nam” khẳng định tài thao lược của vị lão tướng.

Cuộc chiến chống kẻ thù phía Bắc và phương Nam giành được thắng lợi hoàn toàn, năm 544, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, xưng Nam Việt Đế - tức Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, dựng kinh đô tại cửa sông Tô Lịch là vùng đất Hà Nội thời tiền Thăng Long. Lý Nam Đế xây dựng triều đình mới với hai ban Văn, Võ giúp vua cai quản việc nước. Ban Văn do Tinh Thiều đứng đầu. Lão tướng Phạm Tu đứng đầu Ban Võ.

Với cương vị là tổng chỉ huy quân đội, Phạm Tu lo luyện tập quân sĩ, củng cố xây dựng hào lũy những nơi hiểm yếu trên đất liền, các cửa sông, cửa lạch… Nhờ vậy, khi quân Lương quay lại đánh chiếm nước ta năm 545, hệ thống phòng thủ các cửa sông vùng Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình đã giúp Phạm Tu cùng quân sĩ cầm cự trong 6 tháng liền. Sau đó ông mới chịu lui quân về giữ thành Long Biên. Trong cuộc chiến không cân sức này, vị lão tướng ở tuổi 70 đã anh dũng hy sinh ở cửa sông Tô Lịch ngày 20 tháng 7 năm Ất Sửu (545). Sau khi Phạm Tu hy sinh, vua Lý Nam Đế truy sắc phong Phạm Tu làm Long Biên Hầu, đặt thụy là Đô Hồ, phong làm Bản Cảnh Thành Hoàng và ban 100 nén bạc lập miếu thờ tại Thanh Liệt quê Ngài. Ngày nay, ngôi miếu ấy vẫn còn và luôn được người dân hương khói thờ phụng!

Có một làng quê của những danh nhân ven sông Tô ảnh 2 Có một làng quê của những danh nhân ven sông Tô ảnh 3

Đình thờ Tiên triết Chu Văn An trước khi tôn tạo và hiện nay

Người thầy mẫu mực của muôn đời

Sinh năm 1292 ở thôn Văn, Chu Văn An là một danh nhân học rộng tài cao đời Trần. Ông đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà về mở trường dạy học ở thôn Huỳnh Cung gần nhà. Học trò nhiều nơi tìm đến theo học rất đông. Trong số ấy có nhiều người thành đạt, thi đỗ ra làm quan trong triều như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã chép lại việc các đại quan trong triều là học trò của thầy Chu Văn An vẫn giữ lễ khi đến thăm thầy.

Tính tình nghiêm nghị, tư cách thanh cao và học vấn sâu rộng làm cho tiếng tăm Chu Văn An ngày càng lan xa. Ngoài nhân cách, đức độ, thầy Chu Văn An còn nổi tiếng bởi tính thẳng thắn, cương trực, khi làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám đã dâng “Thất trảm sớ” lên vua Trần Dụ Tông xin chém 7 tên gian thần lộng hành trong triều. Nhà vua không nghe, ông liền “treo ấn, từ quan” về ở núi Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương dạy học và bốc thuốc cứu người. Có lẽ đến muôn đời sau, đây vẫn là tấm gương tiết tháo của các bậc trí giả. Chính vì vậy mà Chu Văn An được coi là bậc “Vạn thế sư biểu” (Người thầy mẫu mực của muôn đời) - như cách gọi của các sử gia Việt Nam.

Tam quan cổ kính chùa Quang Ân

Tam quan cổ kính chùa Quang Ân

Nói về danh tướng Phạm Tu và thầy Chu Văn An không thể không nói đến hai ngôi đình thờ các ngài. Đình Ngoài thờ lão tướng Phạm Tu. Đình Trong (hay còn gọi là đình Nội) thờ Tiên triết Chu Văn An. Tôi vẫn nhớ ngày còn bé đã được nghe bố tôi kể về chuyện ông Tả Ao - một người rất giỏi về phong thủy - năm Canh Ngọ 1690 đã chọn dải đất ven bờ Đầm Tròn để dân làng xây dựng hai ngôi đình thờ danh tướng Phạm Tu và thầy Chu Văn An, cùng ngôi chùa Quang Ân, còn gọi là chùa Nội của làng. Sau này lớn lên đi học tôi mới biết Tả Ao là một nhà địa lý phong thủy kỳ tài. Theo ông, ba mảnh đất này tạo thành thế chân kiềng của đất làng Thanh Liệt, ôm lấy Đầm Tròn. Mảnh đất xây đình Ngoài thờ Thành hoàng làng - võ tướng Phạm Tu là nơi “Rồng ẩn”. Mảnh đất dựng đình Trong thờ Tiên triết Chu Văn An là nơi “Phượng chầu”. Còn mảnh đất xây chùa Quang Ân là nơi “Hổ ngụ”. Sau này, chính mảnh đất Thanh Liệt đã sinh ra một bậc chân tu, thế danh là Bùi Thanh Đàm (1840 - 1936), pháp hiệu là Thích Thanh Hanh tức Sư tổ Vĩnh Nghiêm, được suy tôn làm Thiền gia Pháp chủ Hội Phật giáo Bắc Kỳ năm 1934, cũng là một bậc danh nhân nổi tiếng!

Từ trong làng đi ra là gặp đình Trong, đi tiếp qua chùa Quang Ân là đến đình Ngoài. Không biết từ thời nào con đường nối ba công trình kiến trúc này đã được lát gạch nghiêng khá rộng. Đến tận đầu những năm 1960 khi lứa học trò chúng tôi đi học cấp 2 ở làng bên, hàng ngày đi qua cửa chùa Quang Ân vẫn thấy hai bên cổng tam quan đồ sộ có hai trụ đá khắc chìm hai chữ Nho “Hạ mã” tức là “Xuống ngựa”. Điều đó chứng tỏ từ ngày xưa ngôi chùa Quang Ân có Sư tổ Vĩnh Nghiêm trụ trì đã là chốn linh thiêng, thu hút phật tử, du khách thập phương.

Mùa xuân này, nếu ai có dịp ghé thăm Thanh Liệt quê tôi vẫn có thể đi theo con đường lát gạch nghiêng năm xưa - bây giờ được mở rộng hơn và trải nhựa sạch đẹp - để vãn cảnh chùa Quang Ân và thăm đình Ngoài thờ lão tướng Phạm Tu. Riêng đình Trong thờ Tiên triết Chu Văn An thì từ thời vua Tự Đức (1848 - 1883) đã được di chuyển về vị trí hiện nay, sát bên bờ sông Tô Lịch.

Tin cùng chuyên mục