Mai Linh là một trong những hãng taxi đã giảm giá cước. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN |
Taxi “rục rịch” giảm cước
Ngày 26/2, theo nguồn tin từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đã có 60/68 doanh nghiệp vận tải taxi kê khai giảm giá cước sau khi giá xăng giảm mạnh 4 lần từ đầu năm đến nay tương ứng 16% (từ 16.400 đồng xuống còn 13.750 đồng/lít RON 92). Các doanh nghiệp taxi tại Hà Nội đã giảm cước với mức thấp nhất từ 300 đồng/km đến cao nhất là 1.000 đồng/km.
Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh cho biết đã gửi văn bản đến Sở GTVT Hà Nội thông báo giảm giá cước 500 đồng/km đối với taxi 4 chỗ và 600 đồng/km đối với taxi 7 chỗ. Thời gian bắt đầu thực hiện kể từ ngày 26/2. Đối với giá cước taxi Mai Linh tại các địa phương khác sẽ căn cứ trên tình hình thực tế của mỗi địa phương để điều chỉnh giảm giá cước phù hợp.
Tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Hãng Taxi Vinasun cũng cho hay sẽ giảm cước vận tải taxi 500 đồng/km. Cụ thể, với taxi chạy phạm vi dưới 30 km, mức cước chỉ còn 14.000 đồng/km (xe 5 chỗ), 15.000 đồng/km (xe 8 chỗ) và 16.000 đồng/km (xe 8 chỗ đời mới).
Tuy nhiên, mức giảm giá này chưa đáp ứng được kì vọng của người tiêu dùng. Một số hãng taxi như: Thanh Nga, Group... vẫn chưa giảm giá cước. Các hãng này vẫn đưa ra những lý do muôn thuở như phải chờ cơ quan chức năng phê duyệt điều chỉnh, kiểm định, kẹp chì... Vì các doanh nghiệp có hàng trăm đầu xe, mỗi lần thay đổi quy trình tích hợp phần mềm tính cước vào trong hộp đen, dán niêm phong rất mất thời gian và tốn kém chi phí. Với việc giá xăng tăng, giảm liên tục tới tổng cộng 18 lần từ đầu năm 2015 đến nay, nếu các doanh nghiệp cứ chạy theo để điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khi được hỏi về chính sách hỗ trợ cho lái xe taxi như thế nào khi giá cước giảm xuống và có thể sẽ giảm hơn nữa trong thời gian tới, nhiều hãng taxi cho rằng, hầu hết hãng taxi khoán nhiên liệu xăng cho lái xe, khi tăng giá thì lái xe taxi không muốn chạy, khi xăng giảm thì lái xe bỏ túi, nên doanh nghiệp không được lợi nhuận. Ngoài ra, doanh nghiệp phải chịu phí kiểm định đồng hồ khi điều chỉnh giá, doanh nghiệp càng nhiều xe càng mất nhiều chi phí. Do đó giá xăng giảm thì doanh nghiệp buộc phải giảm giá cước, chứ thực chất chi phí để điều chỉnh đồng hồ cũng đã “ngốn” quá nhiều chi phí phát sinh sau mỗi lần điều chỉnh.
Cần giảm hơn nữa
Trước đó, tại cuộc họp bàn giải pháp kéo giảm giá cước vận tải bằng đường bộ do Bộ GTVT tổ chức hồi đầu tuần, Hiệp hội Taxi Việt Nam đã phải nhận rất nhiều ý kiến chỉ trích từ các bên khi để giá cước “dậm chân tại chỗ” từ đầu năm 2016 đến nay. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng khá bức xúc với việc này khi cho rằng giá cước vận tải theo cơ chế thị trường và dựa trên cơ chế cạnh tranh, nhưng có sự điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước, với việc chi phí nhiên liệu chiếm 25 - 35% giá thành, việc giá cước vận tải không giảm tương ứng là điều khó chấp nhận.
Về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho biết: Việc điều chỉnh giảm giá cước vận tải của các hãng taxi là tất yếu khi giá xăng giảm sâu. Hiệp hội đã yêu cầu các doanh nghiệp taxi tiếp tục xem xét giảm giá cước sâu hơn nữa, để chia sẻ với người tiêu dùng, vì hiện giá xăng đã giảm xuống thấp hơn cả năm 2009.
Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng đã đề nghị Bộ Tài chính ban hành quy trình triển khai kê khai giá một cách đơn giản không để mất nhiều thời gian, thủ tục, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp taxi thực hiện điều chỉnh giá cước linh hoạt, nhanh gọn.
Ngoài cước taxi đang thực hiện lộ trình giảm giá, cước vận tải cũng đang đối diện với sức ép giảm giá. Tuy nhiên, theo đại diện hiệp hội vận tải các địa phương, cước vận tải sẽ giảm nhưng mức điều chỉnh có thể sẽ phức tạp hơn. Vì trong vận tải còn phải chia ra hai loại hình là vận chuyển hàng hóa và vận chuyển hành khách. Như vậy mức giảm sẽ khó có sự thống nhất. Đặc thù của vận tải hàng hóa là mức giá mỗi lúc khác nhau, tuyến đường, phương tiện, mức thỏa thuận hợp đồng giữa chủ hàng và doanh nghiệp vận tải trong từng lô hàng... Giá xăng dầu giảm sâu, tuy nhiên với ngành vận tải hàng hóa có những đặc thù riêng và giá xăng dầu chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định trong việc quyết định giá.