Doanh nghiệp không thể “tự bơi”

(BĐT) - Việc hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế đang là một chỉ dấu tích cực đối với Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước nói riêng. 
Hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập 55 thị trường có FTA
Hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập 55 thị trường có FTA

Trước thềm năm mới, ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO tại TP.HCM đã dành cho độc giả Báo Đấu thầu những chia sẻ thẳng thắn xung quanh chủ đề này.

Chủ trương "chủ động", "tích cực" hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác đã được nước ta khởi xướng từ giữa những năm 90 của thế kỷ XX và thể hiện rõ nhất vào đầu năm 2007 khi chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhìn lại chặng đường dài hội nhập đã qua, điều ông tâm đắc nhất là gì?

Năm 1995, Việt Nam gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đến năm 1998 chúng ta lại tham gia vào Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), năm 2001 thì ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), đặc biệt  là đầu năm 2007 gia nhập WTO. Năm 2015, Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu bằng việc tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng. Đây là một bước tiến lớn của Việt Nam trong việc hội nhập vào kinh tế toàn cầu.

Trong 20 năm qua, từ một quốc gia chậm phát triển, tương đối khép kín và theo mô hình kinh tế tập trung, Việt Nam đã mở cửa làm ăn với hầu hết các quốc gia phát triển nhất. Điều ấn tượng không phải là mở rộng quan hệ làm ăn buôn bán với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và thành tích xuất nhập khẩu hay từ lượng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng ngày càng tăng. Theo ý kiến của tôi, vấn đề có tính bản chất là trong quá trình hội nhập, Việt Nam đã và đang từng bước chấp nhận các luật chơi chung của kinh tế thị trường. Đó là tính bình đẳng, công bằng và tự do trong kinh doanh; tính trách nhiệm và giải trình của chính quyền. 

Doanh nghiệp không thể “tự bơi” ảnh 1
Ông Phạm Bình An
Tính đến cuối năm 2015, Việt Nam đã ký đến 12 FTA và đang tiếp tục đàm phán một số FTA khác. Ông nhìn nhận các cơ hội đến từ các FTA dành cho Việt Nam sẽ như thế nào?

Các FTA mà Việt Nam tham gia có chất lượng ngày càng cao và cam kết mở cửa ngày càng sâu. Từ đó, đem đến rất nhiều cơ hội mới cho DN và đất nước.

Thứ nhất, hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập 55 thị trường có FTA, kể cả các thị trường khó tính. Các quốc gia kết nối với Việt Nam trong EVFTA, TPP có thị trường hàng hóa mang tính chất bổ sung, ít cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Việt Nam, nên cơ hội xuất khẩu của DN Việt Nam là rất lớn. Vấn đề là hàng hóa Việt Nam có đủ chất lượng để vượt qua hàng rào kỹ thuật rất khắt khe của những thị trường này hay không? Bên cạnh đó, hàng nhập khẩu sẽ rẻ hơn giúp các DN nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu cho sản xuất phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Thứ hai, đầu tư và cung ứng dịch vụ từ các nước ký kết FTA sẽ được mở rộng với nhiều hình thức phong phú, có tính cạnh tranh cao. Tăng thu hút FDI sẽ tăng cơ hội kết nối với chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nếu DN Việt Nam năng động và có đủ năng lực kết nối.

Thứ ba, về dài hạn, đây chính là cơ hội giúp Việt Nam chuyển hướng, giảm lệ thuộc vào một vài thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Cùng với đó là cơ hội tiếp cận phương thức kinh doanh và quản lý hiện đại, tiên tiến, giảm bớt tính thiếu chuyên nghiệp, tầm nhìn ngắn hạn, thiếu bền vững của một bộ phận không nhỏ DN hiện nay.  

Quan trọng hơn là hội nhập sâu thông qua các FTA sẽ tạo áp lực rất rõ ràng đến việc cải cách thể chế kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng. Tôi có cảm nhận, càng mở cửa, người dân và DN càng đòi hỏi sự cạnh tranh bình đẳng, phân bổ nguồn lực công bằng. Ngoài ra, cần xem lại những quy định không còn phù hợp, kể cả  như vấn đề sở hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu để bảo đảm tính thị trường đích thực của nền kinh tế. 

Theo ông, "sức khỏe" của các DN Việt Nam có ổn không khi tham gia vào cuộc chơi này?

Chủ thể của hội nhập kinh tế quốc tế chính là các DN. Không nên nghĩ rằng chỉ có DN xuất nhập khẩu mới cần quan tâm đến hội nhập. Hầu như tất cả các DN, quy mô lớn hay nhỏ, sản xuất hay dịch vụ, có xuất khẩu hay không sẽ đều chịu tác động của hội nhập.

Tôi thực sự lo ngại cho các DN Việt Nam trong cuộc chơi hội nhập bởi quy mô DN của chúng ta còn quá nhỏ bé, lại đang bị co hẹp vì khó khăn trong những năm qua. Bên cạnh đó, chúng ta thiếu nhóm các DN tầm cỡ để dẫn dắt các ngành kinh tế. Mặt khác, DN Việt Nam còn rất yếu: thiếu vốn, thiếu thị trường, trang bị máy móc công nghệ lạc hậu… và đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực còn thấp.

 Một điểm cộng cho DN Việt là tính năng động và linh hoạt khi họ có nhiều cách "xoay xở" để tồn tại trong thời điểm khó khăn nhất. Nhưng tồn tại khác xa với phát triển và chiếm lĩnh thị trường. Chắc chắn trong tiến trình hội nhập, DN không thể trông chờ hoặc ỷ lại vào Nhà nước, nhưng chính quyền cũng phải đồng hành chứ không thể buông cho DN "tự bơi". 

Những mặt tích cực đã được đề cập đến rất nhiều, nhưng những tác động mặt trái khi Việt Nam tham gia vào các FTA thì rất ít được nói đến. Ông có khuyến cáo gì không?

Cũng có nhiều lo ngại liệu Việt Nam có quá sức không khi tham gia sâu vào các FTA lớn và thuộc thế hệ mới trong khi DN còn nhỏ yếu, thể chế kinh tế còn bất cập và khả năng cạnh tranh khá thấp. Theo tôi, mở cửa là rất cần thiết nhằm tạo áp lực thúc đẩy cải cách trong nước và tạo áp lực ngay cả các DN để cải thiện phương thức kinh doanh. Tuy nhiên, tấm huy chương nào cũng có hai mặt.

Cạnh tranh không tương xứng giữa DN Việt Nam và DN ở các nước phát triển là điều dễ thấy. Một điểm rất đáng lưu ý là khi Việt Nam phải mở cửa thị trường theo lộ trình, thì các biện pháp phi thuế quan lại chậm được củng cố. Có thể thấy, hàng Việt Nam rất chật vật khi thâm nhập vào các thị trường lớn, còn hàng hóa nhập khẩu (nhất là từ phương Bắc) tràn ngập, kể cả hàng kém chất lượng và hầu như không kiểm soát được.

Về phía người dân cũng sẽ đối diện với không ít khó khăn. Điển hình là ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi. Lâu nay, nền nông nghiệp của nước ta rất manh mún, người dân thì chạy theo lợi nhuận trước mắt, nhiều sản phẩm sử dụng chất độc hại không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu những tồn tại và yếu kém này không được khắc phục và cải thiện thì lợi thế cạnh tranh ngày càng giảm, kéo theo những thua thiệt rất khó lường.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục