Bên mời thầu: Công ty cổ phần Tư vấn Xây lắp Thương mại Sông Hồng
Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh)
Nội dung kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Tiêu chí HSMT:
Tại Bảng số 02 Yêu cầu về nhân sự chủ chốt Mục 2 thuộc Chương III, HSMT yêu cầu:
Phụ trách công tác trắc đạc: Tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành trắc địa.
Phụ trách an toàn và vệ sinh lao động: Tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành bảo hộ lao động.
Kiến nghị/đề nghị làm rõ của nhà thầu:
Sau khi nghiên cứu tiêu chí đánh giá HSDT, Nhà thầu nhận thấy, HSMT đưa ra yêu cầu về trình độ chuyên môn nhân sự chủ chốt không phù hợp so với quy định của pháp luật liên quan, làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Cụ thể, với nhân sự phụ trách công tác trắc đạc, theo Nhà thầu, trình độ chuyên môn được quy định tại Phụ lục VI Nghị định số 175/2024/NĐ-CP về chuyên ngành đào tạo theo văn bằng đối với lĩnh vực khảo sát địa hình: chuyên ngành đào tạo về trắc địa, bản đồ hoặc các chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan. Nhà thầu cho rằng, HSMT cần quy định mở rộng đối với chuyên ngành đào tạo của nhân sự phụ trách công tác trắc đạc theo hướng cho phép cả chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan.
Về nhân sự phụ trách an toàn và vệ sinh lao động, theo Nhà thầu, trình độ chuyên chuyên môn được quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động của nhà thầu thi công xây dựng phải được đào tạo về chuyên ngành an toàn lao động hoặc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng và đáp ứng quy định khác của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Theo Nhà thầu, HSMT yêu cầu duy nhất 1 chuyên ngành đào tạo “bảo hộ lao động” là không phù hợp theo quy định pháp luật có liên quan.
Nhà thầu trích dẫn khoản 2 Điều 24 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định: “2. Hồ sơ mời thầu phải bao gồm đầy đủ các nội dung cần thiết để nhà thầu lập hồ sơ dự thầu và không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng theo quy định tại điểm k khoản 6 Điều 16 và khoản 3 Điều 44 của Luật Đấu thầu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật Đấu thầu dẫn đến nội dung của hồ sơ mời thầu bị coi là vô hiệu, không phải là căn cứ để đánh giá hồ sơ dự thầu”.
Nhà thầu đề nghị Chủ đầu tư và Bên mời thầu xem xét, điều chỉnh HSMT phù hợp theo quy định, để đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch.
Bình luận, phân tích của chuyên gia:
Theo chuyên gia đấu thầu, trong lĩnh vực xây lắp, cần căn cứ vào mục tiêu đầu tư, quy mô, tính chất cụ thể của gói thầu để đưa ra yêu cầu về chuyên môn, chuyên ngành của nhân sự cho phù hợp. Các tiêu chí, yêu cầu này có thể bằng hoặc cao hơn điều kiện tối thiểu theo pháp luật xây dựng hướng tới mục tiêu chọn được nhân sự phù hợp, đảm nhận được công việc của gói thầu, giúp quản lý chặt chẽ, kiểm soát tiến độ, chất lượng. Với một số gói thầu có quy mô không quá lớn, đơn giản thì việc mở rộng lĩnh vực nhưng vẫn đảm bảo có chuyên ngành, bộ môn đào tạo phù hợp với vị trí đảm nhận của nhân sự sẽ tăng tính cạnh tranh, tạo điều kiện cho nhiều nhà thầu tham dự.
Trả lời, giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Ngày 14/4/2025, Bên mời thầu phúc đáp Nhà thầu như sau:
Đối với nhân sự phụ trách công tác trắc đạc, đây là cán bộ làm công tác đo đạc, định vị, kiểm tra cao độ, tọa độ của các hạng mục trong quá trình thi công. Nếu không có người phụ trách chuyên môn thì rất dễ xảy ra sai sót, ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Cán bộ trắc đạc sẽ giúp định vị đúng vị trí các hạng mục để đảm bảo thi công đúng thiết kế, đúng tiến độ và tránh sai lệch khi triển khai, vì vậy trong HSMT có yêu cầu nhân sự phụ trách công tác trắc đạc thuộc chuyên ngành trắc địa là phù hợp. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các nhà thầu tham dự và không làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, Bên mời thầu sửa đổi điều chỉnh như sau: “Phụ trách công tác trắc đạc: Tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành đào tạo về trắc địa, bản đồ hoặc các chuyên ngành kỹ thuật xây dựng có liên quan”.
Đối với nhân sự phụ trách an toàn và vệ sinh lao động, Bên mời thầu cho biết, công trình xây dựng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn: ngã cao, vật rơi, sập đổ, điện giật,... Cán bộ ATLĐ được đào tạo chuyên ngành về an toàn sẽ giám sát, nhắc nhở và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn hiệu quả. Cán bộ phụ trách ATLĐ có chuyên ngành bảo hộ lao động được đào tạo bài bản về: nhận diện, đánh giá và phân tích rủi ro trong môi trường lao động; áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tổ chức và hành chính để kiểm soát nguy cơ; sử dụng và hướng dẫn sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân, thiết bị an toàn; thiết lập hệ thống quản lý ATLĐ, thực hiện kiểm tra, giám sát và báo cáo theo quy định. Vì vậy, trong HSMT có yêu cầu nhân sự phụ trách an toàn và vệ sinh lao động thuộc chuyên ngành bảo hộ lao động là phù hợp. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các nhà thầu tham dự và không làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, Bên mời thầu sửa đổi điều chỉnh như sau: “Phụ trách an toàn và vệ sinh lao động: Tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành bảo hộ lao động hoặc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng và đáp ứng quy định khác của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động”.
Kết quả giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
HSMT điều chỉnh được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.