Gói thầu xây lắp không quá 05 tỷ đồng chỉ dành cho nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ. Ảnh: Tường Lâm |
Thế nhưng, thực tế cho thấy, không phải nhà thầu nào cũng nắm vững quy định này, hoặc đang cố tình lách luật với mục đích thiếu lành mạnh.
Trượt thầu vì là... nhà thầu lớn
Qua tiếp nhận và xử lý kiến nghị của nhà thầu qua chuyên mục Đường dây nóng của Báo Đấu thầu cho thấy, một số nhà thầu cảm thấy “oan ức” vì bị trượt thầu, mà không hề hay biết hoặc “cố tình không biết” mình không phải là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH Khánh Đạt (Vĩnh Phúc) khi tham gia đấu thầu gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Hệ thống đường phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng kết hợp dân sinh tỉnh Vĩnh Phúc; Hạng mục: Các tuyến đường trên địa bàn huyện Sông Lô (gói thầu số 02). Trong Đơn kiến nghị gửi tới Báo Đấu thầu, Công ty này thắc mắc, tại sao giá dự thầu của Công ty thấp nhất trong 6 nhà thầu tham dự mà lại bị đánh trượt?
Tuy nhiên, theo lý giải của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc (Bên mời thầu) trong thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, một trong những lý do không trúng thầu là nhà thầu Công ty TNHH Khánh Đạt không đáp ứng yêu cầu về tư cách hợp lệ: “nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp”. Yêu cầu này được nêu tại Thông báo mời thầu đăng trên Báo Đấu thầu số 247 ra ngày 25/12/2015; tại Mục 4.1, Chương I - Chỉ dẫn nhà thầu, Phần 1 - Thủ tục đấu thầu (trang 7) và Mục 4.1, Chương II - Bảng dữ liệu đấu thầu (trang 31) của hồ sơ mời thầu.
Tương tự, cũng tại gói thầu này, một số nhà thầu khác như Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Vĩnh Phúc, Công ty CP Đầu tư Tam Sơn, Công ty CP Thiết bị và Công nghệ Thăng Long đều trượt thầu với một trong những lý do là không đáp ứng tư cách hợp lệ như trên.
Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc xác định doanh nghiệp cấp siêu nhỏ, nhỏ, vừa là căn cứ quy mô tổng nguồn vốn (tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp) hoặc số lao động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên). Riêng doanh nghiệp cấp nhỏ trong lĩnh vực xây dựng, tổng nguồn vốn là từ 20 tỷ đồng trở xuống; doanh nghiệp siêu nhỏ là có số lao động từ 10 người trở xuống.
Giành giật bằng chiêu trò
Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu nêu rõ: “Đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp tham gia đấu thầu”.
Quy định của pháp luật đã có, nhưng trên thực tế, nhà thầu cũng có lắm chiêu trò lách luật, cố tình “không biết gì”. Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một nhà thầu cho biết, thực tế đã có nhà thầu là doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp lớn mượn tên nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ để đứng ra dự thầu, trong khi hồ sơ dự thầu và thực hiện công việc vẫn do nhà thầu lớn. Nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ, siêu nhỏ “cho mượn” tên để “ăn hoa hồng”. Điều này vô hình trung đã làm mất đi ý nghĩa nhân văn ban đầu của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.
Do đó, đã đến lúc, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu cần sớm có biện pháp, chế tài mạnh mẽ về mặt pháp lý để ngăn chặn hiện tượng thiếu lành mạnh nêu trên. Đồng thời, còn cần tới sự tham gia giám sát chặt chẽ hơn nữa của cộng đồng, trong đó có người dân và doanh nghiệp. Có như vậy thì hoạt động đấu thầu mới đi đúng hướng, đảm bảo tính công bằng, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.